Một toà nhà bị tàn phá sau cơn sóng thần ở Palu. Ảnh: Mediacorp.
Ira Mustika nghĩ rằng cô sẽ kiếm được tiền từ những người đến thăm lễ hội Pesona Palu Nomoni khi cô đang đi bán dạo dọc theo bãi biển đông đúc Talise với các sản phẩm kính mát, đồng hồ và các phụ kiện khác.
Trải dài dọc theo một vịnh hẹp và được che chắn bởi những rặng núi ở trung tâm Sulawesi, thành phố Palu đã sẵn sàng cho lễ kỷ niệm hàng năm vào tối ngày 28/9. Nhưng rồi mặt đất rung chuyển, và thảm hoạ ập đến.
Ira lúc đó đã phải bám vào một cái cây khi cô nhìn thấy con sóng khổng lồ đang dâng cao lên từ xa. Cảnh tượng thật đáng sợ.
"Nước biển dâng cao và đang tràn đến", người phụ nữ 26 tuổi kể lại khoảnh khắc đáng sợ sau trận động đất 7,5 độ richter tấn công hòn đảo Sulawesi của Indonesia và gây ra sóng thần.
Sợ hãi khiến cô chạy nước rút ngay trước khi ba đợt sóng lớn đổ vào thành phố, phá hủy hàng chục ngàn ngôi nhà, nhà thờ Hồi giáo, cửa hàng, khách sạn và khiến hơn 1.700 người thiệt mạng.
Đã hơn một tuần kể từ khi trận động đất và sóng thần tấn công Palu và Donggala. Theo Cơ quan quốc gia về quản lý thiên tai của Indonesia, đến nay có 1.763 người thiệt mạng, 2.632 người bị thương nặng và 62.359 người phải di dời.
Đối với nhiều người sống sót, cuộc sống cứ tiếp diễn mặc dù vẫn sợ các dư chấn và bị tàn phá hơn nữa. Ira và một vài nhà cung cấp hàng hoá khác đã nối lại hoạt động kinh doanh vào hôm qua (7/10), do nhu cầu tài chính.
"Tôi mở cửa lại cửa hàng của mình vì tôi cần cái ăn. Sẽ không ai cho chúng tôi đồ ăn nếu chúng tôi không làm việc", người bán tạp hóa 60 tuổi Naharudin nói. Gần đó, Ira ngồi sau gian hàng nhỏ xíu của mình, bán bánh quy đã mua trước khi thảm họa xảy ra.
“Viện trợ khá chậm. Tôi đã nhận được khoảng 6,5 USD sáng nay và tôi rất biết ơn về điều đó”, người mẹ một con này chia sẻ. “Điều quan trọng nhất là đối diện với thực tế, tôi cũng đang giúp đỡ người khác bằng cách bán những chiếc bánh quy này với giá bình thường.”
Trong một cuộc họp báo vào hôm qua, Cơ quan quốc gia quản lý thiên tai Indonesia công bố, có hơn 67.611 ngôi nhà và 2.736 trường học đã bị phá hủy ở miền trung và miền tây Sulawesi. Người phát ngôn cho biết khoảng 5.000 người vẫn còn mất tích ở các làng Petobo và Balaroa - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự hóa lỏng, một hiện tượng biến đổi đất thành khối chất lỏng do động đất.
Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của cơ quan này là tiếp tục tìm kiếm và cứu hộ cho đến ngày 11/10. Sau đó, nếu nạn nhân vẫn không thể được tìm thấy, họ sẽ bị coi là mất tích. Trong khi đó, hỗ trợ y tế vẫn không thể tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng và phân phối viện trợ vẫn còn hạn chế do thiếu nhiên liệu.
Bãi biển nổi tiếng Talise hoang tàn sau thảm hoạ. Ảnh: Mediacorp
Thảm hoạ ngày 28/9 vừa qua có lẽ là thảm hoạ tồi tệ nhất từng thấy ở Palu. Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Argam Bab Al Rahman, từng nổi trên mặt biển, giờ đã bị vỡ và chìm cùng với các tàn dư của nó. Bên cạnh đó, bãi biển nổi tiếng Talise chìm trong bụi và các mảnh vụn - tàn tích còn sót lại của quá khứ huy hoàng tràn ngập các cửa hàng và khách sạn.
“Cứ như thể sóng thần đã đưa Palu trở lại 30 năm trước đây. Phải mất một thời gian dài để phát triển bãi biển Talise - nơi mà người Palu tự hào - và những khách sạn lớn đã từng thu hút du khách đến thành phố của chúng tôi. Tôi không biết sẽ mất bao lâu để Palu hồi phục”, ông Milwan Tajang, một cư dân 52 tuổi nói. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan "hy vọng vẻ đẹp của Palu sẽ được hồi sinh."
BẢO NGHI (Lược dịch CNA)