Nồng độ CO2 trong khí quyển chạm mức kỷ lục mới là 405,5 ppm trong năm 2017. Ảnh: Reuters
Trước thềm Hội nghị lần thứ 24 của Liên Hiệp quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu (COP24) ở Ba Lan vào tháng 12 này, các quan chức hàng đầu LHQ đang một lần nữa cố gắng gia tăng áp lực lên các Chính phủ để đáp ứng cam kết giới hạn Trái đất ấm lên dưới 2 độ C.
“Khoa học là rõ ràng. Nếu không có sự cắt giảm nhanh chóng đối với khí CO2 và các khí nhà kính khác, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng có tác động tiêu cực và không thể đảo ngược lên sự sống trên Trái đất. Cánh cửa cơ hội cho việc hành động gần như đóng lại”, Tổng thư ký WMO, ông Petteri Taalas nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Báo cáo năm nay xem xét dữ liệu của năm 2017, đặt nồng độ CO2 trong khí quyển ở mức 405,5 ppm. Con số này tăng từ 403,3 ppm trong năm 2016 và 400,1 ppm vào năm 2015.
"Lần cuối cùng Trái đất chứng kiến nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C", ông Petteri Taalas nói thêm.
Ngoài CO2, cơ quan này của LHQ cũng nhấn mạnh mức độ gia tăng của mêtan (CH4), N2O, và CFC-11.
Cũng theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khí thải là yếu tố chính xác định lượng khí nhà kính, nhưng tỷ lệ nồng độ là một thước đo đối với những gì còn lại sau một loạt các tương tác phức tạp giữa khí quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển và các đại dương.
Khoảng 25% tổng lượng khí thải hiện nay được hấp thụ bởi các đại dương và sinh quyển, một thuật ngữ giải thích cho tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất.
Trong một động thái liên quan, Phó Tổng giám đốc WMO, bà Elena Manaenkova cho rằng, CO2 vẫn còn tồn tại trong khí quyển và các đại dương trong hàng trăm năm.
"Hiện tại không có cây đũa thần nào có thể loại bỏ hết lượng CO2 dư thừa ra khỏi khí quyển", bà Elena Manaenkova nói thêm.
Theo LHQ, 17 trong số 18 năm nóng nhất được ghi nhận đã xảy ra kể từ năm 2001, trong khi tổn thất của các thảm họa liên quan đến khí hậu trong năm 2017 vượt ngưỡng 500 tỷ USD (tương đương 439 tỷ euro).
Lê Thảo (Lược dịch từ Agencies & Reuters)