Hàm lượng protein trong cây lúa có thể bị ảnh hưởng do phát thải CO2 tăng. Ảnh: CBSNews
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H.Chan cho biết, 76% dân số thế giới lấy hầu hết lượng protein cần thiết từ thực vật, nhưng lượng khí thải CO2 tăng sẽ làm giảm lượng protein - cũng như sắt và kẽm trong một loạt các loại cây lương thực.
Kết quả cũng cho thấy, 18 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, có thể mất hơn 5% lượng protein trong chế độ ăn vào năm 2050 do các loại cây lương thực như gạo, lúa mì và lúa mạch bị mất giá trị dinh dưỡng, trong khi thiếu protein lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu cân và thấp lùn ở trẻ, khiến chúng dễ mắc bệnh và tử vong.
Theo nhà khoa học Samuel Myers, đồng tác giả của báo cáo: "Cần phải suy nghĩ để giảm tính dễ bị tổn thương ... thông qua việc hỗ trợ các chế độ dinh dưỡng đa dạng và bổ dưỡng... Và, tất nhiên, chúng ta cần giảm lượng phát thải CO2 toàn cầu càng nhanh càng tốt".
CO2 cũng làm ảnh hưởng đến mức protein ở ngô, đậu và cao lương, mặc dù ít rõ rệt hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học GeoHealth, mức độ CO2 cao trong khí quyển cũng có thể làm giảm lượng sắt trong thực vật. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, những người dễ bị tổn thương nhất do lượng sắt mất đi trong các loại cây trồng chính bao gồm 354 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và hơn 1 tỷ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chủ yếu ở Nam Á và Bắc Phi.
Những người này sống ở các quốc gia đã trải qua tỷ lệ thiếu máu cao và cây trồng ở đó dự kiến sẽ mất hơn 3.8% lượng sắt trong chế độ ăn uống do tác động của CO2.
Thiếu sắt ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người dân, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn đối với phụ nữ trong khi mang thai và sinh đẻ, đồng thời tăng các nguy cơ sức khoẻ ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "những thay đổi này diễn ra từ từ và hầu như không thể nhận diện được, do đó sẽ đòi hỏi việc giám sát liên tục hàm lượng chất dinh dưỡng của cây trồng ... để đánh giá thời điểm và cách thức để can thiệp một cách hiệu quả nhất khi cần thiết".
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)