Mỹ xem xét ra luật nghiêm khắc để đối phó với bạo lực hàng loạt. Ảnh minh họa: Reuters
Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện hồi tháng 2 đã thông qua dự luật về súng đạn nhằm mục tiêu thắt chặt kiểm tra lý lịch của những người mua súng. Song quyết định ra luật đã bị đình trệ bởi một số lý do ở Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Do đó, Đảng Dân chủ hi vọng sẽ nhanh chóng tái thảo luận về vấn đề kiểm soát súng đạn trước khi Quốc hội Mỹ hoạt động trở lại vào ngày 9/9.
Trong đó, các lãnh đạo sẽ xem xét thông qua các dự luật bao gồm lệnh cấm súng đạn hạng nặng, cũng như xem xét điều luật “cờ đỏ”, khuyến khích các tiểu bang tịch thu súng từ những người được coi là có nguy cơ gây sát thương cho người khác, hoặc cho chính mình.
Đặc biệt, dự luật Disarm Hate Act sẽ cấm mọi cá nhân từng có tiền án tiền sự về tội ác vì thù ghét sở hữu súng. Được biết hiện tại, luật pháp liên bang chỉ cấm những tội phạm từng bị kết án do tội ác vì thù ghét (hate crime) đặc biệt nghiêm trọng không được sở hữu súng.
Dữ liệu của FBI cho thấy, số vụ việc xảy ra do hate crime đã chứng kiến mức tăng 31% từ năm 2014 lên mức đỉnh điểm sau gần 1 thập kỷ, với khoảng 7.175 trường hợp ghi nhận trong năm 2017. Đồng thời, nhóm tội phạm thù hận cũng tăng 30% trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018.
Trong một động thái liên quan, Đảng Cộng hòa nhất trí sẽ thành lập một Trung tâm phòng chống bạo lực hàng loạt thuộc quản lý của Bộ Tư Pháp, qua đó phối hợp thực thi pháp luật với các bạo lực tiềm tàng. Với sự ra đời của trung tâm, nhiều công tố viên liên bang sẽ có quyền tham gia giải quyết tội phạm bạo lực và ngăn chặn dòng súng tuồn vào chợ đen bằng cách tăng cường hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các vụ trộm súng từ những đại lý được cấp phép.
“Nếu chúng ta muốn ngăn chặn thảm kịch hàng loạt, cần phải giữ súng xa thị trường chợ đen. Chúng ta phải giúp các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương, tiểu bang và liên bang phối hợp tốt hơn trong việc phản ứng trước các mối đe dọa tiềm tàng của bạo lực hàng loạt”, tờ Reuters dẫn lời một quan chức Đảng Cộng hòa cho hay.
Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)