Ông Vladislav Filev (phải) tại cuộc họp báo về thương vụ Sea Launch ở TP Guadalajara - Mexico hôm 27/9 Ảnh: SPACENEWS
Sea Launch chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995 và là “sản phẩm” từ sự hợp tác giữa các công ty của 4 nước Na Uy, Nga, Ukraine và Mỹ. Đến năm 2009, Công ty Sea Launch Co., đơn vị điều hành dự án, nộp đơn xin bảo hộ phá sản, 2 năm sau khi một trong những tên lửa của công ty này nổ tung. Vào năm 2010, tài sản của công ty được chuyển cho RSC Energia. Tuy nhiên, hoạt động của Sea Launch bị đình trệ từ năm 2014 giữa lúc nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - quốc gia cung cấp tên lửa Zenith cho dự án.
Thương vụ trên cần được Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét và bật đèn xanh trong một tiến trình mất từ 6-9 tháng. Một trở ngại khác là vấn đề pháp lý. Hãng Boeing (Mỹ) dù không còn cổ phần trong Sea Launch vẫn đang kiện Energia và một đối tác Ukraine để đòi khoản nợ 356 triệu USD. Nếu mọi chuyện kết thúc êm đẹp, S7 cần khoảng 18 tháng để tái khởi động hoạt động phóng tên lửa. Dù vậy, quá trình này có thể kéo dài hơn nếu họ cần phát triển tên lửa mới trong trường hợp Ukraine không nối lại cung cấp tên lửa cho dự án.
Ông Vladimir Solntsev, Giám đốc điều hành Energia, cho biết S7 có thể đầu tư 150 triệu USD vào dự án và tin rằng nó sẽ thành công. Sea Launch đã phóng gần 40 tên lửa lên không gian trong giai đoạn 1999-2014. Ông Filev dự báo cơ sở này có thể phóng thêm từ 50-70 tên lửa trong 15 năm tới mà không cần hiện đại hóa.
Ngay khi thông tin về thương vụ Sea Launch được công bố, giới truyền thông Nga đã so sánh ông Filev với tỉ phú Musk, người vừa công bố kế hoạch tham vọng nhằm đưa con người lên sao Hỏa. Không chịu thua kém, Công ty Blue Origin trong tháng rồi giới thiệu loại tên lửa mới mang tên New Glenn, được thiết kế để có thể đưa vệ tinh hoặc con người lên vũ trụ. Bên cạnh đó, Blue Origin còn đang thiết kế một tên lửa lớn hơn, gọi là New Armstrong, để phục vụ tham vọng giúp hàng triệu người có thể sống trong không gian.
Theo Nld