Theo tạp chí Time, chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng tối đa quyền lực của mình để liên tục đưa ra các sắc lệnh hành chính khác nhau.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua một sắc lệnh hành chính. Ảnh: AP |
Trong đó, đáng chú ý có sắc lệnh yêu cầu sửa đổi dự luật chăm sóc y tế toàn diện của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama (còn gọi là Obamacare) và mới đây nhất là sắc lệnh cấm người nhập cư, đặc biệt là những người từ 7 quốc gia Hồi giáo đặt chân đến Mỹ.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Kenneth R. Mayer tại Đại học Wisconsin-Madison, đa số sắc lệnh hành chính mà các Tổng thống Mỹ đưa ra đều có ít nhiều sự phô trương.
Thậm chí, theo Giáo sư Mayer: “Hầu hết các sắc lệnh hành chính đều mang tính lặp đi lặp lại. Trong những năm 30 và 40 của thế kỷ trước, Tổng thống Roosevelt phải liên tục đưa ra các sắc lệnh hành chính giống nhau mỗi khi ông muốn đưa một đối tượng nào đó thoát khỏi diện bắt buộc phải nghỉ hưu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các sắc lệnh hành chính của các Tổng thống không tạo ra sự thay đổi lớn đối với lịch sử nước Mỹ. Chính vì thế, theo ông Mayer, số sắc lệnh hành chính mà một Tổng thống Mỹ công bố không phải là “một thước đo chuẩn” cho việc ông sử dụng quyền lực của mình tốt đến đâu.
Thậm chí, trong những năm gần đây, các sắc lệnh hành chính đã dần trở thành một “công cụ gây tranh cãi” trong tay Tổng thống và ngày càng “trở thành tâm điểm chú ý của người dân”.
“Thái độ của một người đối với một sắc lệnh hành chính hoàn toàn phụ thuộc vào việc Tổng thống có cùng đảng với người đó hay không”, Giáo sư Mayer nói.
Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng nền dân chủ của Mỹ, đã có nhiều người lên tiếng về việc cần đưa ra một giới hạn cụ thể về quyền lực của nhánh Hành pháp [mà Tổng thống là người đứng đầu-ND].
“Những người cha lập quốc của nước Mỹ như Alexander Hamilton và James Madison đã tranh đấu cho vấn đề này. Tuy nhiên, những tranh cãi đó không hề nóng bỏng trong vài thế kỷ qua cho đến tận vài năm gần đây”, Giáo sư Meyer nói thêm.
Dù vậy, vẫn có những sắc lệnh hành chính của các Tổng thống Mỹ được coi là đã giúp “định hình toàn diện” lịch sử Mỹ. Tạp chí Time đã liệt kê một số sắc lệnh hành chính của các Tổng thống Mỹ từ thế kỷ 20-nay:
Sắc lệnh hành chính số 7034 của Tổng thống Franklin D. Roosevelt công bố năm 1935: Sắc lệnh này liên quan đến việc thành lập Cơ quan Quản trị Tiến trình Xây dựng Công chính (WPA) cùng nhiều cơ quan khác của Mỹ.
Điều này là bởi, bộ máy tài chính phục vụ cho Chính sách Kinh tế mới (New Deal) của Mỹ quá phức tạp đến nỗi chính ông Roosevelt đã phải đích thân “giảng giải” cụ thể cho báo chí Mỹ đưa tin về Chính sách này liên tục trong 4 phiên khác nhau cùng với những biểu đồ chi tiết chỉ để giải thích về việc “WPA sẽ làm thế nào để đảm bảo mọi dự án nằm trong Chính sách Kinh tế mới hoạt động trơn tru”.
Sắc lệnh hành chính số 9066 của Tổng thống Franklin D. Roosevelt công bố năm 1942: Sắc lệnh “khét tiếng” được công bố sau vụ Chân Châu Cảng này của ông Roosevelt cho phép quân đội Mỹ có quyền “vạch ra những khu vực mà họ có quyền trục xuất bất kỳ người nào ra khỏi khu vực đó”. Điều này dẫn đến việc hơn 100.000 người Mỹ gốc Nhật Bản và người Nhật Bản nhập cư vào Mỹ bị dồn vào các trại tập trung.
Sắc lệnh hành chính số 9981 của Tổng thống Harry Truman công bố năm 1948: Sắc lệnh này nêu rõ “Mọi quân nhân trong quân đội Mỹ phải được đối xử bình đẳng và nhận được những cơ hội như nhau không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay nguồn gốc xuất thân”.
Sắc lệnh hành chính số 10340 của Tổng thống Harry Truman công bố năm 1952: Sắc lệnh này yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ “nắm quyền sở hữu các nhà máy thép của nước này” nhằm ngăn chặn xảy ra đình công trên diện rộng mà ông Truman đã dự tính sử dụng quân đội can thiệp nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, việc sử dụng quân đội can thiệp sẽ làm dấy lên “những câu hỏi về việc liệu hành động này có được coi là hợp hiến hay không và quyền lực của nhánh hành pháp đến đâu”. Dù Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ sắc lệnh này, ảnh hưởng của sắc lệnh do ông Truman đưa ra được cho là vẫn kéo dài nhiều năm sau đó.
Sắc lệnh hành chính số 10924 của Tổng thống John F. Kennedy công bố năm 1961: Sắc lệnh này liên quan đến việc thành lập lực lượng Gìn giữ Hòa bình mà theo tạp chí Time là “có tác động đến cộng đồng nhiêu hơn bất kỳ sắc lệnh nào của chính quyền Tổng thống Kennedy”.
Sắc lệnh hành chính số 12291 của Tổng thống Ronald Reagan công bố năm 1981: Sắc lệnh này được ông Reagan ký thông qua ngay sau khi lên nhậm chức, trong đó yêu cầu mọi quyết định của chính quyền liên bang phải được cân nhắc trên cơ sở chi phí-lợi ích. Sắc lệnh này khởi đầu cho xu hướng bãi bỏ rất nhiều quy định của chính quyền liên bang.
Sắc lệnh hành chính số 13228 của Tổng thống George W. Bush công bố năm 2001: Sắc lệnh này liên quan đến việc thành lập Văn phòng An ninh Nội địa- tiền thân của Bộ An ninh Nội địa dẫn đến việc “sát nhập 22 cơ quan liên bang vào một Bộ duy nhất với mục tiêu hàng đầu là chống khủng bố”./.
Theo VOV