ClockThứ Năm, 21/04/2016 05:56

WHO tuyên bố châu Âu thoát khỏi sốt rét

TTH.VN - Châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới thoát khỏi bệnh sốt rét, với số trường hợp mắc bệnh trong khu vực được báo cáo bằng không trong năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một tuyên bố hôm 20/4.

Muỗi Anopheles là vật trung gian gây bệnh sốt rét. Ảnh: Scientists Against Malaria

Số trường hợp mắc bệnh sốt rét trong khu vực châu Âu giảm xuống mức bằng không trong năm 2015 từ 90.712 trường hợp vào năm 1995, những trường hợp cuối cùng đã được báo cáo ở Tajikistan vào năm 2014, theo WHO.

"Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế công cộng của châu Âu và trong nỗ lực loại trừ bệnh sốt rét trên toàn cầu", Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, Giám đốc WHO khu vực châu Âu nhận định.

Cũng theo cơ quan sức khỏe của Liên Hiệp Quốc, các yếu tố như cam kết chính trị mạnh mẽ, cải thiện việc phát hiện và giám sát các trường hợp mắc bệnh sốt rét, nỗ lực kiểm soát muỗi, cùng hoạt động hợp tác xuyên biên giới đã góp phần vào việc xóa sạch căn bệnh do muỗi truyền nói trên.

"Cho đến khi bệnh sốt rét hoàn toàn được loại trừ trên toàn cầu, những người đến và đi từ các quốc gia còn bệnh sốt rét có thể truyền bệnh sang châu Âu, do đó chúng ta phải theo kịp các hoạt động để ngăn chặn sự tái diễn của căn bệnh này”, ông Jakab nói thêm.

Được biết hồi năm ngoái, 214 triệu ca bệnh và 438.000 trường hợp tử vong do sốt rét hầu hết tập trung ở tiểu vùng Sahara châu Phi.

Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chấm dứt đại dịch sốt rét vào năm 2030 khi họ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trong tháng 9 vừa qua.

Khi một quốc gia ghi nhận không có ca sốt rét nào trong ít nhất 3 năm liên tiếp, quốc gia đó có đủ điều kiện để được WHO cấp giấy chứng nhận chính thức loại trừ bệnh sốt rét.

"Khu vực châu Âu đã được tuyên bố thoát khỏi bệnh sốt rét trên cơ sở tình hình hiện tại và khả năng loại bỏ căn bệnh có thể được duy trì", Tiến sĩ Nedret Emiroglu, Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm, An ninh y tế và Môi trường tại Văn phòng WHO khu vực châu Âu cho hay.

"Kinh nghiệm cho thấy rằng, bệnh sốt rét có thể lây lan nhanh chóng và nếu các quốc gia châu Âu không cảnh giác và phản ứng kịp thời, một trường hợp nhiễm bệnh duy nhất từ nước ngoài cũng có thể dẫn đến sự tái diễn của bệnh sốt rét”, bà Nedret Emiroglu nhấn mạnh.

Cho đến khi Thế chiến thứ II kết thúc, bệnh sốt rét là căn bệnh phổ biến ở hầu hết các nước miền nam châu Âu. Trong đó, các nước vùng Balkans, Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đặc biệt bị ảnh hưởng.

Châu Âu đã được tuyên bố thoát khỏi sốt rét trong năm 1975, tuy nhiên căn bệnh này sau đó lại bùng phát ở vùng Caucasus, các nước cộng hòa Trung Á, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Shafaqna)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Dữ liệu ban đầu về “miếng dán” vắc-xin cho thấy hứa hẹn trong cuộc chiến chống bệnh sởi

Có ít người thích tiêm vắc-xin; và đối với các phụ huynh có con nhỏ, họ thậm chí còn ít thích chúng hơn khi đến thời điểm các con phải đi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên hiện nay, có thể có một giải pháp thay thế dễ dàng hơn dưới dạng miếng dán, có thể dán lên da một cách đơn giản.

Tổ chức Y tế thế giới WHO  Dữ liệu ban đầu về “miếng dán” vắc-xin cho thấy hứa hẹn trong cuộc chiến chống bệnh sởi
Phát hiện loại muỗi Tây Phi nguy hiểm gây bệnh sốt rét

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu y tế Kenya (Kemri) và các đối tác thuộc Viện Wellcome Trust Sanger (Vương quốc Anh) đã lần đầu tiên phát hiện một loài muỗi Tây Phi nguy hiểm có khả năng gây bệnh sốt rét.

Phát hiện loại muỗi Tây Phi nguy hiểm gây bệnh sốt rét
Thêm 3 nước triển khai vaccine sốt rét

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Liberia, Benin và Sierra Leone vừa triển khai vaccine sốt rét nhằm tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em trên khắp ba quốc gia Tây Phi này.

Thêm 3 nước triển khai vaccine sốt rét
WHO: Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19

​Bằng chứng mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc lạm dụng kháng sinh đã diễn ra rộng rãi trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan “thầm lặng” của tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

WHO Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19
Return to top