Thế giới

WHO: Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19

ClockThứ Bảy, 27/04/2024 16:09
TTH.VN - ​Bằng chứng mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc lạm dụng kháng sinh đã diễn ra rộng rãi trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan “thầm lặng” của tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

Chuyên gia Australia: Xà phòng diệt khuẩn đang tạo ra siêu vi khuẩn kháng kháng sinhKhông khí ô nhiễm tạo thuận lợi cho vi khuẩn lây lan và tăng nguy cơ kháng kháng sinh

 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh góp phần vào sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong khi chỉ có 8% bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn cần dùng kháng sinh, thì khoảng 75% bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh chỉ để “đề phòng”. Việc sử dụng kháng sinh dao động từ 33% đối với bệnh nhân ở khu vực Tây Thái Bình Dương đến 83% ở Đông Địa Trung Hải và khu vực châu Phi. Từ năm 2020 đến năm 2022, việc kê đơn kháng sinh giảm dần theo thời gian ở châu Âu và châu Mỹ, trong khi lại tăng ở châu Phi.

Tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao nhất được thấy ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hoặc nguy kịch, với mức trung bình toàn cầu là 81%. Trong các trường hợp nhẹ hoặc trung bình, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, với tỷ lệ sử dụng cao nhất là ở khu vực châu Phi.

WHO kêu gọi các nước trên thế giới sử dụng công cụ AWaRe (Access, Watch, Reserve) trong sử dụng kháng sinh, theo đó phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: Tiếp cận (Access), Theo dõi (Watch) và Dự trữ (Reserve). Điều đáng lo ngại là nghiên cứu cho thấy các loại kháng sinh nhóm “Theo dõi” có khả năng kháng thuốc cao hơn lại được kê đơn thường xuyên nhất trên toàn cầu.

“Khi bệnh nhân cần dùng kháng sinh, lợi ích thường lớn hơn những rủi ro liên quan đến tác dụng phụ hoặc tình trạng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, khi không cần thiết, chúng không mang lại lợi ích trong khi gây ra rủi ro và việc sử dụng kháng sinh góp phần vào sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh”, Tiến sĩ Silvia Bertagnolio, chuyên gia cấp cao của WHO cho biết.

Nhìn chung, việc sử dụng kháng sinh không cải thiện kết quả lâm sàng cho bệnh nhân mắc COVID-19. Nhưng đúng hơn, nó có thể gây hại cho những người không bị nhiễm vi khuẩn cao hơn so với khi không dùng kháng sinh. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải cải thiện việc sử dụng kháng sinh hợp lý để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực không cần thiết cho cả bệnh nhân và cộng đồng.

Những phát hiện này dựa trên dữ liệu từ Nền tảng lâm sàng toàn cầu của WHO về COVID-19, một kho lưu trữ dữ liệu lâm sàng được tiêu chuẩn hóa ở cấp độ cá nhân từ các bệnh nhân nhập viện vì COVID-19. Dữ liệu được thu thập từ khoảng 450.000 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại 65 quốc gia trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2023.

Tiến sĩ Yukiko Nakatani của WHO cho biết: “Những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu quan trọng trong việc cung cấp đủ nguồn lực cho các nỗ lực cải thiện việc kê đơn thuốc kháng sinh trên toàn cầu, và đặc biệt, phù hợp để thảo luận trước Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về kháng kháng sinh (AMR) sắp diễn ra vào tháng 9 này”.

Được biết, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về AMR sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết giảm thiểu AMR trên các lĩnh vực sức khỏe con người, thú y, nông sản thực phẩm và môi trường, đồng thời thúc đẩy sự lãnh đạo chính trị, tài chính và hành động để làm chậm sự xuất hiện và lan rộng của AMR.

BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top