Bởi Triều Tiên lâu nay vẫn xem những cuộc tập trận như thế này là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh đất nước.
|
Ông Trump và ông Kim đi bộ trong khuôn viên khách sạn Metropole ở Hà Nội trước cuộc họp hôm 28/2. Ảnh: AP
|
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Patrick Shanahan hôm qua (2/3) đã tiến hành điện đàm, trong đó thảo luận và nhất trí kế hoạch chấm dứt hai cuộc tập trận quy mô lớn thường niên: “Giải pháp then chốt” (Key Resolve) và “Đại bàng non” (Foal Eagle). Tuy nhiên, nhằm đảm bảo “một sự chuẩn bị quân sự vững chắc” cho các lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc, những cuộc tập trận này sẽ được thay thế bằng các cuộc tập trận quy mô hạn chế hơn.
Quyết định trên được đưa ra 3 ngày sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Hội nghị này dù kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung nào, song 2 nhà lãnh đạo đã bày tỏ mong muốn duy trì cánh cửa đối thoại mở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua một lần nữa nhấn mạnh “mối quan hệ rất mạnh mẽ” với nhà lãnh đạo Triều Tiên, điều mà ông thường xuyên nhắc tới trong thời gian qua và đặc biệt là tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 vừa kết thúc tại Hà Nội.
“Triều Tiên có một tương lai kinh tế rực rỡ đến khó tin nếu họ thực hiện một thỏa thuận, nhưng họ không có tương lai kinh tế nếu họ có vũ khí hạt nhân. Đây sẽ thực sự là một điều tồi tệ đối với họ. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã học được rất nhiều trong vài ngày qua và mối quan hệ với Triều Tiên dường như đang rất mạnh mẽ”, ông Trump nói.
Đây cũng là cách tiếp cận nhất quán được người đứng đầu nước Mỹ cho thấy thời gian qua, đó là “cá nhân hóa” các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, với việc tập trung vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và các triển vọng kinh tế đối với Triều Tiên nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Yonho Kim nói: "Tôi nghĩ mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 không có thỏa thuận, nhưng điều đó không phải là thảm họa, bởi vì Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố rằng ông có mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Kim Jong Un, thậm chí ông ấy còn từ chối nói về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và hiện nay là quan điểm đối với các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Cả Mỹ và Triều Tiên tới nay đều không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đàm phán, dù chúng ta không biết chính xác khi nào sẽ diễn ra”.
Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ và Hàn Quốc đã cắt giảm quy mô hoặc tạm ngừng nhiều cuộc tập trận trung và các máy bay ném bom của Mỹ cũng không còn thấy xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc nữa.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích những hoạt động quân sự như thế này là quá tốn kém, song lại bác bỏ khả năng rút về nước khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc nhằm bảo vệ nước này khỏi mọi mối nguy cơ từ nước láng giềng Triều Tiên.
Ông Ahn Chan-il, Chủ tịch Viện nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc cho rằng, hạn chế hay chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn dù có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước, song lại không tạo mối nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh, mà thậm chí còn tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán và cho thấy các nước liên quan thực sự nghiêm túc trong quyết tâm đi tới thỏa thuận phi hạt nhân hóa.
Theo VOV