Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ba trụ cột chính trong quan hệ đối tác chiến lược Mỹ và ASEAN gồm Chính trị - an ninh, Kinh tế - thương mại, và Văn hóa - xã hội.
Về chính trị - an ninh, Mỹ coi trọng quan hệ với ASEAN, coi quan hệ với ASEAN là một trọng tâm trong chiến lược tái cân bằng; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Mỹ dành ưu tiên cao hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, nhất là an ninh hàng hải trên cơ sở song phương cũng như thông qua diễn đàn khu vực.
Hai bên cũng tích cực hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, chống tội phạm xuyên quốc gia như khủng bố, buôn bán người…
Ngoài ra, Mỹ tích cực tham gia các diễn đàn/cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF).
Trong khuôn khổ ARF, Mỹ cùng Phi-líp-pin và Nhật Bản đồng chủ trì Cuộc họp giữa kỳ ARF (ARF ISM) về An ninh biển và xây dựng Kế hoạch công tác ARF về An ninh biển giai đoạn 2015-2017; tổ chức một số Hội thảo/Hội nghị về an ninh biển, chống cướp biển, chống ô nhiễm môi trường biển và an toàn hàng hải trong năm 2014-2015.
Ngoài ra, Mỹ tích cực thúc đẩy hợp tác thực chất và cụ thể trong 6 lĩnh vực ưu tiên của ADMM+; đề xuất và tổ chức triển khai Chương trình đào tạo người đi biển trong khuôn khổ EAS.
Về kinh tế-thương mại, Mỹ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của ASEAN. Năm 2014 tổng thương mại giữa ASEAN và Mỹ đạt 216 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng thương mại của ASEAN và đầu tư của Mỹ vào ASEANđạt 226 tỷ USD. Năm 2014, lượt khách du lịch Mỹ vào ASEAN đạt gần 3,2 triệu, chiếm 3,2% tổng khách du lịch đến ASEAN.
Hợp tác kinh tế-thương mại ASEAN-Mỹ được thực hiện thông qua Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA) ký năm 2006 và Sáng kiến về Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN-Mỹ (E3) thông qua dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 vào tháng 11-2012 (Campuchia).
Về hợp tác kết nối, mặc dù chưa có cơ chế tham vấn với ACCC, Mỹ đã có một số hoạt động hỗ trợ ASEAN về kết nối thông qua Chương trình Kết nối ASEAN thông qua Thương mại và Đầu tư (ACTI) với 4 nội dung chính là hỗ trợ việc xây dựng Cơ chế ASEAN một cửa, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao hiệu quả năng lượng ASEAN, và tăng cường phát triển ICT.
Về văn hóa-xã hội, ASEAN khuyến khích Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục và cấp học bổng cho các sinh viên ASEAN; thúc đẩy hợp tác đối phó dịch bệnh, hợp tác khu vực Mê Công, an ninh năng lượng, quản lý thiên tai, và biến đổi khí hậu; giao lưu nhân dân và đẩy mạnh hợp tác đa dạng sinh học.
Ngoài ra, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu: là một trong các nội dung hợp tác ưu tiên hiện nay của Mỹ đối với ASEAN. Tại Cấp cao ASEAN-Mỹ lần 2 (11-2014), ASEAN và Mỹ đã ra Tuyên bố chung về Biến đối khí hậu trong đó bao gồm nội dung Mỹ hỗ trợ ASEAN giảm thiểu và thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu thông qua hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu.
|