Ảnh minh hoạ. Nguồn: Wikipedia
Theo báo cáo nói trên, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng hàng năm cao nhất về công suất thủy điện, với Trung Quốc đóng góp phần công suất lắp đặt lớn nhất. Hơn 90% công suất được bổ sung trong năm 2017 của khu vực đến từ Trung Quốc, với tổng công suất lắp đặt lên đến 341.190 MW.
Nhật Bản đứng thứ 2 trong khu vực, với công suất lắp đặt là 49.905 MW. Tiếp đó là Ấn Độ, với công suất lắp đặt là 49.382 MW. Tại Ấn Độ, công suất bổ sung đã được đóng góp bởi dự án Teesta III 1.200 MW ở tiểu bang Sikkim.
Đứng ở vị trí ngay sau Ấn độ lần lượt là Việt Nam với công suất lắp đặt là 16.679 MW, và Pakistan với công suất lắp đặt là 7.477 MW.
Tiếp đó là Hàn Quốc và Malaysia, 2 quốc gia có công suất thủy điện lần lượt là 6.489 MW và 6.094 MW. Trong đó, Malaysia đã và đang nỗ lực mở rộng vai trò quan trọng của mình trong việc tạo ra năng lượng của đất nước, đồng thời đáp ứng các mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu.
Indonesia được xếp hạng thứ 9 trong khu vực. Tiếp theo là Triều Tiên, quốc gia tạo ra gần 70% lượng điện qua thủy điện, báo cáo trên cho biết.
Xếp hạng sau Triều Tiên là Lào, với công suất thủy điện là 4.984 MW, quốc gia này đang liên tục nỗ lực để tăng cường năng lực thủy điện. Lào xuất khẩu điện sang Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, đồng thời mong muốn cung cấp thủy điện cho Campuchia và Myanmar.
Tiếp theo sau Lào trong bảng xếp hạng là Thái Lan, Philippines và Myanmar.
Ngoài ra, 2 quốc gia Nam Á là Nepal và Bangladesh được xếp hạng thấp nhất trong khu vực, với công suất thủy điện tương đối thấp hơn. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đang nỗ lực nâng cao công suất thủy điện bằng cách thực hiện thêm nhiều dự án.
Thanh Ngân (Lược dịch từ ANN & Data Leads)