Thứ Năm, 30/11/2017 09:38
(GMT+7)
Tương lai 'robot vùng lên': Thách thức không chỉ cho người lao động
Đến năm 2030, khoảng 800 triệu lao động có thể bị thay thế bởi robot, tương đương 20% tổng lực lượng lao động toàn cầu.
Bloomberg dẫn kết quả nghiên cứu từ Công ty tư vấn McKinsey & Co dự báo đến năm 2030, khoảng 800 triệu lao động có thể bị thay thế bởi robot, tương đương 20% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Nghiên cứu được thực hiện ở 46 quốc gia với khoảng 800 công việc. Cũng theo McKinsey & Co, nếu tốc độ robot thay thế công việc có chậm hơn thì cũng phải có khoảng 400 triệu lao động mất việc đến năm 2030.
Thực tế, xu hướng chuyển dịch lao động từ người sang máy đang ngày càng rõ ràng hơn. Mới tháng trước, Bloomberg dẫn phân tích của giới chuyên gia chỉ ra thực tế trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế con người ở nhiều công việc. Điển hình như thiết bị VTM, tương tự ATM nhưng có thể kết nối gọi điện thấy hình từ xa, cho phép khách hàng vay tiền mua xe hơi, mở tài khoản, thế chấp tài sản để vay nợ… Vì thế, nhân viên giao dịch tại ngân hàng dần sẽ phải nhường chỗ cho VTM. Thậm chí, công việc phân tích tài chính nay cũng có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
Xu hướng chuyển dịch lao động từ người sang máy đang ngày càng rõ ràng hơn
Theo CNN, nhà lập trình người New Zealand Nick Gerritsen vừa trình làng chính khách ảo hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo đầu tiên của thế giới.
Việc máy móc thay thế con người đem đến những ưu điểm như độ chính xác, tính tuân thủ công việc… và đặc biệt là tiết giảm chi phí. Chính nhờ tiết giảm chi phí, doanh nghiệp ứng dụng nhiều robot, trí tuệ nhân tạo sẽ đem đến ưu thế lớn về cạnh tranh. Vì thế, sự chuyển dịch trên không chỉ tạo ra thách thức đối với người lao động, mà còn đối với cả doanh nghiệp.
Theo Thanh Niên