Indonesia là một trong ba quốc gia tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất thế giới. Ảnh: Jakarta Post
Điều này cho thấy các cấp chính quyền cần nhanh chóng triển khai chuỗi hành động khẩn cấp nhằm kiềm chế vấn nạn và đảm bảo sức khỏe của người dân.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia là quốc gia tiêu thụ thuốc lá lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ và con số biểu thị về mức độ sử dụng thuốc lá đang tiếp tục tăng cao. Chi tiêu cho thuốc lá ở Indonesia thậm chí chỉ thấp sau gạo và vượt qua cả chi tiêu quốc gia dành cho giáo dục”, Tờ Compass ngày 10/6 dẫn lời Chủ tịch Hanafiah cho hay.
Số liệu được công bố vào năm 2015 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, 1/3 số lượng nam giới Indonesia trong độ tuổi 13-15 đang sử dụng thuốc lá, cùng với đó là hơn 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang phải hút thuốc lá thụ động do ảnh hưởng từ những người xung quanh.
Về hậu quả, không chỉ riêng Indonesia, ước tính mỗi năm thuốc lá giết chết 5,4 triệu người và 35% - 40% trường hợp tử vong trên toàn cầu là do những chủng bệnh tim mạch khó chữa do chịu ảnh hưởng của khói thuốc trong thời gian dài.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Tiến sĩ Ismoyo Suni – chủ tịch Hiệp hội tim mạch Indonesia khẳng định, quốc gia này hoàn toàn ủng hộ kế hoạch áp thuế thuốc lá, nhất là khi châu Phi áp dụng chính sách tăng thuế gấp 3 lần trong giai đoạn từ 1990 đến 2005, số lượng người nghiện thuốc đã giảm đi một nửa.
Ngoài biện pháp áp thuế thuốc lá cao, Tiến sĩ Ismoyo Suni cũng kêu gọi và đề nghị cấm hoàn toàn các hình thức quảng cáo thuốc lá, xây dựng nhiều trung tâm khám sức khỏe cộng đồng và nhấn mạnh công tác giáo dục về tác hại của thuốc lá cho công dân, đặc biệt là trẻ em.
“Văn hóa không thuốc lá phải bắt đầu từ gia đình và tiếp tục phát triển trên quy mô lớn hơn, thông qua các bài giảng của giáo viên. Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cũng nên đưa vấn đề không thuốc lá vào đề thi”, Tiến sĩ Ismoyo nhấn mạnh.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)