ClockThứ Tư, 02/05/2018 14:45

WHO: 9/ 10 người toàn cầu đang hít thở không khí ô nhiễm

TTH.VN - Hơn 90% dân số toàn cầu đang hít phải số lượng lớn các chất gây ô nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày hôm nay (2/5) cho biết trong một báo cáo mới, đồng thời cảnh báo chất lượng không khí kém gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm.

Đông Nam Á: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ “cuộc khủng hoảng làm lạnh”Ô nhiễm không khí liên quan đến 2,7 triệu ca sinh non mỗi nămUNICEF: Cứ 7 trẻ em thì có 1 trẻ sống trong vùng ô nhiễm không khí nặngWHO: Thuốc lá tàn phá môi trường, làm 7 triệu người thiệt mạng mỗi nămCác thành phố của Iran, Ấn Độ xếp hạng ô nhiễm nặng nề nhất

 Người dân Ấn Độ trong màn sương mù dày đặc do ô nhiễm ở thủ đô New Delhi. Ảnh: AFP

Dữ liệu mới từ cơ quan y tế của Liên Hiệp quốc (LHQ) cho thấy, khắp nơi trên thế giới đều đang đối mặt với ô nhiễm không khí, thậm chí vấn đề này còn tệ hơn nhiều ở các quốc gia nghèo hơn.

"Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất lại chịu những gánh nặng lớn nhất", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Nghiên cứu của WHO kiểm tra mức độ nguy hại đối với sức khỏe của cả ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời và nhận thấy: "Khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí ô nhiễm".

Đáng chú ý, hơn 90% các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, chủ yếu ở khu vực châu Á và châu Phi. "Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà chúng tôi đang phải đối mặt", bà Maria Neira, người đứng đầu bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường trực thuộc WHO nói với các phóng viên.

Được biết, các dữ liệu tập trung vào những hạt vật chất nguy hiểm với đường kính từ 2,5 đến 10 micromet (PM10), và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5). PM2.5 bao gồm những độc tố như sulfate và carbon đen, gây ra rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe, bởi chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch.

Đột quỵ, ung thư, viêm phổi

Chúng có thể gây ra các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, WHO cho biết thêm. Đặc biệt đáng lo ngại là hơn 40% dân số toàn cầu vẫn không được tiếp cận với các nhiên liệu và công nghệ nấu nướng sạch trong nhà của họ. Việc sử dụng nhiên liệu nấu nướng bẩn, như đốt than củi là nguồn ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu, ước tính gây ra khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

"Không thể chấp nhận rằng, hơn 3 tỷ người, hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em vẫn đang hít khói chết người mỗi ngày do sử dụng bếp và nhiên liệu gây ô nhiễm trong nhà của họ", ông Tedros khẳng định.

Báo cáo trên cũng cho biết, việc tiếp cận nhiên liệu sạch đang gia tăng ở mọi khu vực, nhưng cảnh báo "những cải tiến thậm chí còn không theo kịp tốc độ tăng dân số ở nhiều khu vực trên thế giới", nhất là ở vùng cận Sahara châu Phi.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí ngoài trời liên quan đến 4,2 triệu trường hợp tử vong hàng năm. Theo WHO, sự kết hợp giữa ô nhiễm trong nhà và ngoài trời là nguyên nhân gây ra khoảng 1 triệu trường hợp trong số đó.

Báo cáo cung cấp dữ liệu chất lượng không khí từ hơn 4.300 thành phố và thị trấn ở 108 quốc gia, tạo thành cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về ô nhiễm không khí môi trường xung quanh hoặc ngoài trời.

Cần sự giám sát

WHO ca ngợi, hơn 1.000 thành phố đã được thêm vào cơ sở dữ liệu của tổ chức kể từ báo cáo cuối cùng cách đây 2 năm, lưu ý rằng việc giám sát có thể nhắc nhở hành động hướng đến việc giải quyết vấn đề.

Dữ liệu cho thấy mức độ ô nhiễm không khí xung quanh cao nhất được tìm thấy trong khu vực mà WHO gọi tên là khu vực Đông Địa Trung Hải, về cơ bản bao gồm khu vực Trung Đông và Bắc Phi và khu vực Đông Nam Á. Ở những khu vực này, các chất gây ô nhiễm không khí thường được tìm thấy ở mức cao hơn gấp 5 lần so với những gì mà WHO xem là an toàn. Ví dụ, tại thành phố Gwalior ở Ấn Độ, mức độ của cả PM10 và PM2.5 đo được trong năm 2012 cao hơn khoảng 17 lần so với khuyến cáo của WHO.

Một số thành phố ở khu vực Trung Đông cũng ở mức tương tự, bao gồm Al Jubail ở Saudi Arabia, nhưng các chuyên gia của WHO lưu ý, mức độ hạt thường được đẩy cao hơn bởi cát ở những thành phố và thị trấn gần sa mạc.

Trong khi đó, báo cáo cũng nhấn mạnh một sự không đồng đều trong các thông tin nhận được, với một thiếu thốn nghiêm trọng về dữ liệu từ châu Phi và các khu vực ở Tây Thái Bình Dương. Chỉ có 8 trong số 47 quốc gia ở châu Phi cung cấp thông tin chất lượng không khí ở một hoặc nhiều thành phố của họ.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP & Straitstimes)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Thông tin doanh nghiệp:
Thời tiết "Nồm Ẩm" cần có thiết bị này trong nhà?

Mùa nồm đến gần gây cảm giác khó chịu và làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp. Nồm ẩm còn khiến cho đồ nội thất, máy móc, thiết bị dễ bị ẩm mốc, mối mọt, gỉ sét dẫn đến hư hỏng.

Thời tiết Nồm Ẩm cần có thiết bị này trong nhà

TIN MỚI

Return to top