Mỗi năm, ước tính có khoảng 15 triệu ca sinh non trên thế giới. Ảnh: Mab.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí quốc tế về Môi trường, bên cạnh các rủi ro khác bao gồm tuổi tác và sức khỏe của người mẹ, thì các hạt mịn trong không khí từ khói của động cơ diesel, hỏa hoạn và các nguồn khác, có thể làm tăng nguy cơ sinh non.
"Ô nhiễm không khí có thể không chỉ làm hại những người đang hít thở không khí trực tiếp mà cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các em bé trong bụng mẹ", Chris Malley - tác giả chính của nghiên cứu này, dựa trên số liệu năm 2010 cho biết.
Đa số các ca sinh non có liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở Nam Á và Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu kết luận. Ấn Độ chiếm tới khoảng 1 triệu ca sinh non mỗi năm, và ở Trung Quốc có khoảng 500.000 ca.
Theo các nhà nghiên cứu, xe động cơ diesel, cháy rừng, đốt cây, và nấu ăn bằng gỗ, hoặc than... là nguyên nhân chính của vấn đề.
Một phụ nữ mang thai trong một thành phố ở Trung Quốc hay Ấn Độ có thể hít phải lượng không khí có mức độ ô nhiễm cao hơn gấp 10 lần so với một bà mẹ sống ở vùng nông thôn nước Anh hoặc Pháp, báo cáo cho biết.
Tròng khi đó, ở Tây Phi cận Sahara, Bắc Phi và Trung Đông, các ca sinh non chủ yếu liên quan đến việc tiếp xúc với bụi sa mạc.
Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sơ sinh bị sinh non và gần 1 triệu trẻ tử vong vì các biến chứng kéo theo, và biến chứng từ sinh non chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy.
Do đó, ông Johan Kuylenstierna - đồng tác giả của nghiên cứu, kêu gọi các quốc gia cần phải làm việc với nhau để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường - một vấn đề xuyên biên giới .
"Trong một thành phố, có lẽ chỉ có một nửa số ô nhiễm xuất phát từ các nguồn trong chính thành phố đó - phần còn lại sẽ được gió chuyển từ các vùng khác hoặc thậm chí các nước khác", ông nói.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & AP)