Trung Quốc và EU nên hợp tác hơn nữa trong tương lai vì lợi ích của hai bên nói riêng và lợi ích của toàn bộ thế giới nói chung. Ảnh minh họa: Eias.org/TTXVN/Vietnam+
Theo đó, các chuyên gia và học giả hoan nghênh phát biểu của ông Tập Cận Bình về quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU), cũng như cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và cho rằng cuộc họp đã cung cấp định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của mối quan hệ Trung Quốc - EU, cùng lúc bổ sung sự ổn định và năng lượng tích cực cho một thế giới đang có nhiều biến động như lúc này.
Trong cuộc họp, Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và EU nên đóng vai trò là hai lực lượng lớn, duy trì hòa bình thế giới và bù đắp những bất ổn trong bối cảnh quốc tế hiện nay bằng sự ổn định của quan hệ Trung Quốc - EU.
Hai bên cần đi đầu trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế với cốt lõi là Liên Hiệp quốc, trật tự quốc tế được củng cố bởi luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản quản lý các mối quan hệ quốc tế dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc, cùng với đó là phản đối hành động tiến đến Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Leon Laulusa, Phó Chủ tịch điều hành Trường Kinh doanh ESCP - Europe tại trụ sở của trường ở Paris (Pháp) cho biết, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là “hai bên nắm giữ vai trò quan trọng” trên trường quốc tế và vai trò này là cực kỳ cần thiết để đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới.
Cũng theo Phó Chủ tịch Leon Laulusa, Trung Quốc và EU đã hợp tác trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và giao lưu giữa nhân dân hai bên.
Frederic Baldan, CEO của Công ty tư vấn CEBiz của Bỉ cho rằng, đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - EU sẽ tạo ra và đáp ứng lợi ích cho người dân châu Âu, cũng như lợi ích cho cả thế giới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập cũng tuyên bố rằng Trung Quốc và châu Âu nên đóng vai trò là hai thị trường lớn, thúc đẩy sự phát triển chung và làm sâu sắc hơn tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thông qua hợp tác mở. Về phía Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục cam kết cải cách sâu rộng và mở cửa nhiều hơn nữa trong tương lai. Trung Quốc hoan nghênh đầu tư kinh doanh của châu Âu và mong muốn EU cung cấp một môi trường công bằng, minh bạch đối với hoạt động đầu tư và phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc tại châu Âu.
Thêm vào đó, hai bên cũng cần tìm kiếm sức mạnh tổng hợp giữa các chiến lược phát triển của mình và khám phá sự bổ sung nhiều hơn giữa triết lý, mô hình phát triển mới của Trung Quốc và chính sách thương mại của châu Âu để tự chủ chiến lược mở rộng.
Trong một ý kiến có liên quan, Horst Loechel, Giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý và Tài chính Frankfurt cho biết, châu Âu và Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Do đó, hai bên nên phát triển hơn nữa quan hệ thương mại “vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp” của cả Trung Quốc và EU.
Theo đó, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa EU và Trung Quốc sẽ duy trì, thậm chí có thể trở thành đòn bẩy mang lại lợi ích kinh tế cho hai bên. Nó sẽ đóng vai trò đáng kể cho sự ổn định về kinh tế và chính trị toàn cầu trong các giai đoạn khó khăn.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp với các lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và EU nên đóng vai trò là hai nền văn minh lớn, thúc đẩy sự tiến bộ của con người và đối phó với những thách thức toàn cầu thông qua đoàn kết và hợp tác.
Hai bên cần đi theo chủ nghĩa đa phương thực sự, ủng hộ tầm nhìn về quản trị toàn cầu với nguyên tắc tham vấn sâu rộng, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, đồng thời hành động và nỗ lực cùng nhau để đánh bại đại dịch COVID-19...
Theo nhận định của một số chuyên gia khác, cuộc họp trực tuyến là một cột mốc quan trọng trong cuộc đối thoại của hai bên và tất cả phải được tiếp tục diễn ra trong tương lai, ở tất cả các cấp. Đồng thời, cả Trung Quốc và châu Âu sẽ đều có thể vượt qua nhiều thách thức đang phải đối mặt thông qua “đối thoại cởi mở và cam kết hành động chung”.
Về vấn đề Ukraine, quan điểm của Trung Quốc là luôn đứng về phía hòa bình và hoàn toàn đưa ra quyết định dựa trên góc nhìn độc lập và quan điểm của từng vấn đề. Trung Quốc kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực được công nhận rộng rãi, cũng như những hành động phù hợp với nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc và ủng hộ tầm nhìn về an ninh toàn diện, chung, hợp tác và bền vững.
Cả châu Âu và Trung Quốc đều hi vọng rằng khủng hoảng Ukraine có thể “chấm dứt càng sớm càng tốt” và các bên liên quan nên làm việc với các thành viên khác của cộng đồng quốc tế để có một giải pháp ngoại giao phù hợp cho cuộc khủng hoảng, từ đó đặt nền móng cho một kiến trúc an ninh châu Âu.
Đan Lê (Lược dịch từ Xinhua Net)