Thế giới

Thương mại xuyên biên giới ASEAN nhanh chóng và số hóa: Biến xa lạ trở thành quen

ClockThứ Năm, 22/08/2024 06:28
TTH - Tương lai tăng trưởng xuyên biên giới của khu vực Đông Nam Á phụ thuộc vào khả năng của hơn 71 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong việc tận dụng hiệu quả thương mại kỹ thuật số.

Nhật Bản sẽ cung cấp các dự án carbon thấp cho ASEANTập trung vào hành động khí hậu do trẻ em lãnh đạo

 Số hóa hoạt động thương mại sẽ giúp khu vực ASEAN đạt được nhiều thành công hơn. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Đối với khu vực này, nơi nền kinh tế kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần lên 1.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ, con đường dẫn đến thành công phụ thuộc vào cách khu vực công và tư hợp tác với nhau trong kế hoạch dài hạn.

Hiện nay, nhiều cơ quan khu vực công đang tích cực làm việc để thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới. Các sáng kiến như Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) và Sáng kiến tiêu chuẩn số (DSI) của Phòng Thương mại quốc tế là những ví dụ về khuôn khổ toàn diện nhằm mục đích giúp khu vực hội nhập kỹ thuật số nhiều hơn.

Trong khi những sáng kiến công cộng này đóng một vai trò rất quan trọng để khu vực tiến lên phía trước, các nước ASEAN cần tự hỏi liệu toàn khu vực đã có tư duy đúng đắn để thực hiện thay đổi thực sự và bền vững hay chưa. Liệu có cách nào khác để khu vực công và tư nhân có thể cùng nhau hành động để tạo ra một hệ sinh thái gắn kết và đơn giản hơn không?

Tại một cuộc thảo luận nhóm vừa diễn ra do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), ấn tượng nhất là sự đồng thuận của nhóm các lãnh đạo và đại biểu liên quan về nhu cầu cần có nhiều sự tin tưởng hơn giữa khu vực công và tư nhân để đẩy nhanh quá trình phê duyệt thủ tục hải quan.

Đã đến lúc khiến hành trình thông quan trở nên hiệu quả hơn và hoàn toàn không cần giấy tờ được áp dụng trên toàn khu vực. Điều mà khu vực ASEAN cần là một nền tảng chia sẻ dữ liệu chung để trao đổi thông tin liền mạch giữa các cơ quan hải quan. Điều này sẽ cho phép việc thực hiện hóa đơn điện tử và lập tài liệu cho các doanh nghiệp thương mại điện tử diễn ra dễ dàng. Bên cạnh đó, để thương mại xuyên biên giới trong khu vực dễ tiếp cận hơn, các nước cần giảm thuế. Cần đặc biệt lưu ý rằng trên thực tế, vận chuyển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á rẻ hơn so với giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau.

Trong lĩnh vực này, ASEAN đã có một vài câu chuyện thành công để chia sẻ. Đơn cử, Singapore và Thái Lan đều đã số hóa thành công các quy trình hải quan, qua đó cho phép các giao dịch địa phương hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và minh bạch hơn. Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để phần còn lại của khu vực nhanh chóng áp dụng và đạt được những thành công tương tự.

Cam kết lâu dài của ASEAN trong việc áp dụng chuyển đổi số đòi hỏi nỗ lực chung của mọi người trong hệ sinh thái. Cần toàn bộ khu vực đồng lòng để tăng cường năng lực số xuyên biên giới, từ đó đạt được sự thay đổi toàn diện và ý nghĩa.

Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi thương mại xuyên biên giới được tích hợp tốt. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ được kết nối tốt hơn và có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu và khối lượng giao dịch ngày càng tăng trong khu vực. Điều này cũng có nghĩa là khu vực sẽ có thể mở khóa hiệu quả hơn và có vị thế tốt hơn để phục vụ nhu cầu của các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc.

Một kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế không biên giới đang chờ đợi ASEAN.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Nikkei Asia)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top