Thế giới

Tổng thống Mỹ sắp ký thành luật kế hoạch đầy tham vọng về sức khỏe và khí hậu

ClockChủ Nhật, 14/08/2022 19:06
TTH.VN - Hàng trăm tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch, thuốc kê đơn rẻ hơn và thuế doanh nghiệp mới là một vài trong số những nội dung chính trong kế hoạch đầu tư khổng lồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mà Quốc hội nước này hiện đã thông qua.

Phe Cộng hòa Mỹ phác thảo lộ trình thay thế ObamacareMỹ: Nhà Trắng công bố kế hoạch hành động quốc gia giải quyết COVID-19 kéo dài

Kế hoạch đầy tham vọng về sức khỏe và khí hậu của Tổng thống Biden vừa được Quốc hội Mỹ thông qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Với các yếu tố đặc trưng của kế hoạch đầy tham vọng này, đây được xem như một chiến thắng quan trọng của Tổng thống đảng Dân chủ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 tới.

Theo AFP, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký ban hành luật này vào tuần tới.

370 tỷ USD cho năng lượng sạch, khí hậu

Dự luật trị giá 430 tỷ USD bao gồm các biện pháp quan trọng về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý, với 370 tỷ USD, dự luật này đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử của Mỹ vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thay vì tập trung trừng phạt những doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất trong nước, dự luật do Tổng thống Biden đề xuất đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích tài chính nhằm hướng nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch.

Các khoản miễn thuế cũng sẽ được trao cho các nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng gió, năng lượng mặt trời và điện hạt nhân.

Đồng thời, dự luật sẽ mang đến cho mỗi người dân Mỹ một khoản miễn thuế lên tới 7.500 USD khi mua xe điện và bất kỳ ai lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ được trợ cấp 30% chi phí.

Ngoài ra, khoảng 60 tỷ USD sẽ được phân bổ cho sản xuất năng lượng sạch, từ tuabin gió đến chế biến khoáng chất cần thiết cho pin ô tô điện.

Số tiền tương tự sẽ dành cho các chương trình giúp thúc đẩy đầu tư vào các cộng đồng kém may mắn, đặc biệt là thông qua các khoản tài trợ để cải tạo nhà cửa, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tiếp cận với các phương thức giao thông ít ô nhiễm hơn.

Dự luật cũng sẽ mang đến các khoản đầu tư lớn cho nỗ lực bảo tồn và hạn chế cháy rừng, cũng như bảo vệ các khu vực ven biển khỏi xói mòn do các cơn bão tàn phá gây ra.

Với các hạng mục đó, dự luật kỳ vọng sẽ giúp Mỹ nước giảm 40% lượng khí thải carbon vào năm 2030, so với mức năm 2005.

64 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe

Khía cạnh chính thứ hai của kế hoạch này là giúp giảm bớt sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp nước Mỹ, nhất là bằng cách kiềm chế sự tăng vọt giá thuốc kê đơn.

Theo kế hoạch mới, Medicare - chương trình bảo hiểm y tế quốc gia dành cho những người từ 65 tuổi trở lên hoặc có thu nhập khiêm tốn - sẽ lần đầu tiên được phép thương lượng giá một số loại thuốc trực tiếp với Big Pharma (những tập đoàn dược phẩm khổng lồ trên thế giới). Điều này có khả năng mang lại các giao dịch tốt hơn nhiều. Cụ thể, kế hoạch này sẽ yêu cầu các công ty dược phẩm giảm giá đối với một số loại thuốc, nếu giá tăng nhanh hơn mức lạm phát tăng vọt của Mỹ.

Đồng thời, dự luật cũng gia hạn các quyền lợi theo Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama (thường được gọi là Obamacare) cho đến năm 2025.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%

Cùng với những khoản đầu tư khổng lồ này, dự luật “Giảm lạm phát” này cũng tìm cách giảm thâm hụt liên bang thông qua việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% đối với tất cả các công ty có lợi nhuận vượt trên 1 tỷ USD.

Mức thuế mới nhằm ngăn chặn một số công ty khổng lồ sử dụng các “thiên đường thuế” để có thể chi trả ít hơn nhiều so với những gì họ nợ về mặt lý thuyết.

Theo ước tính, biện pháp này có thể tạo ra hơn 258 tỷ USD doanh thu từ thuế cho các kho bạc của chính phủ Mỹ trong 10 năm tới.

Giới phân tích nhận định rằng, việc dự luật nhận được sự ủng hộ và thông qua của cả 2 lưỡng viện Quốc hội Mỹ không chỉ là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, mà còn là bước đầu tạo thuận lợi cho Tổng thống thực thi các cam kết đầy tham vọng của mình.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Châu Á - Thái Bình Dương: 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu

Theo báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2025 vừa được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố, nạn đói tiếp tục gia tăng, với 343 triệu người trên khắp 74 quốc gia đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, tại châu Á - Thái Bình Dương, 88 triệu người đang phải vật lộn với nạn đói do thảm họa liên quan đến khí hậu gây ra.

Châu Á - Thái Bình Dương 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu
Return to top