|
Người tị nạn ở Ethiopia nhận lương thực cứu trợ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Cụ thể, trong một bản tóm tắt chính sách, Tổng Thư ký LHQ António Guterres lập luận: “Kiến trúc tài chính quốc tế được xây dựng vào năm 1945 sau Thế chiến thứ hai, đang trải qua một bài kiểm tra căng thẳng ở quy mô lịch sử và hiện không vượt qua được bài kiểm tra đó”.
Ông António Guterres chỉ ra, những mức nợ không bền vững đang làm tê liệt nhiều quốc gia nghèo đến mức họ không thể đầu tư đầy đủ vào các lĩnh vực quan trọng để phát triển, chẳng hạn như bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Đáng chú ý, nhu cầu cải cách đã trở nên cấp thiết hơn khi thời hạn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đang đến gần.
Những Mục tiêu này đã được các quốc gia thành viên LHQ thông qua hồi năm 2015; điều đó có nghĩa là đến năm 2023, thế giới đã đi được nửa chặng đường. Cột mốc này được đánh dấu tại Hội nghị thượng đỉnh SDG vào tháng 9 năm ngoái, thời điểm mà số liệu thống kê chính thức của LHQ cho thấy chỉ có 15% các Mục tiêu được hoàn thành.
Cũng trong bản tóm tắt chính sách, người đứng đầu LHQ đã đưa ra đề xuất có thể giúp các quốc gia đưa người dân thoát khỏi đói nghèo và phát huy hết tiềm năng của họ, đồng thời kêu gọi một “khoảnh khắc Bretton Woods mới”, thỏa thuận quốc tế mang tính đột phá sau Thế chiến thứ hai dẫn đến việc thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), những tổ chức quyết định cách thức và điều kiện cho các quốc gia cần hỗ trợ tài chính vay tiền.
Theo ông António Guterres, hệ thống này hiện “hoàn toàn không phù hợp với mục đích trong một thế giới đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu không ngừng, rủi ro hệ thống ngày càng gia tăng, bất bình đẳng, những thay đổi lớn về nhân khẩu học, công nghệ, kinh tế, địa chính trị,…”.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, câu trả lời sẽ liên quan đến việc tăng cường tài trợ để xóa bỏ nghèo đói và hỗ trợ phát triển bền vững, làm cho các cơ quan ra quyết định chính của IMF và WB trở nên dân chủ và mang tính đại diện hơn, đồng thời thành lập một cơ quan mới, mang tính bao quát để điều phối các quyết định kinh tế toàn cầu, với quyền hoạt động như một “Hội đồng an ninh kinh tế”.
Những đề xuất có trong bản tóm tắt chính sách, và các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh SDG năm ngoái sẽ tạo thành cơ sở cho một loạt các cuộc thảo luận, dự kiến được tổ chức tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, một hội nghị mang tính bước ngoặt sẽ diễn ra tại trụ sở LHQ từ ngày 22 - 23/9 tới đây.