Khác với các loại vắc-xin truyền thống thường sử dụng các phiên bản vi rút đã chết, loại vắc-xin của Inovio-GeneOne là vắc-xin tổng hợp được tạo ra từ việc tái tạo các đoạn gen của vi rút Zika trong phòng thí nghiệm, sau đó được đưa chúng vào một chuỗi vật liệu di truyền gọi là plasmid.
Một người cha đang ôm đứa con bị chứng teo não (microcephaly) tại bệnh viện Oswaldo Cruz tại Recife, Brazil (Ảnh: Marcelino/Reuters)
Vắc-xin này sau đó được tiêm vào dưới da và hỗ trợ bởi một thiết bị kích thích điện từ, giúp tạo ra các khoảng trống trong tế bào để DNA có thể thâm nhập vào chúng.
Sau khi được tiêm 3 liều vắc-xin Zika có tên là GLS-5700, cơ thể của toàn bộ 40 tình nguyện viên mạnh khỏe tham gia nghiên cứu đều đã sản sinh ra các kháng thể kháng lại vi rút nguy hiểm này.
Để kiểm định xem các kháng thể này có thể chống lại vi rút hay không, các nhà nghiên cứu đã lấy máu của những tình nguyện viên để tiêm vào những con chuột bị nhiễm vi rút Zika. Kết quả là các kháng thể trong những con chuột đã phát huy tác dụng và giúp chúng sống sót.
Tiến sĩ Pablo Tebas - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, Trưởng dự án nghiên cứu này cho biết việc phát triển vắc-xin tổng hợp DNA đã tiến triển rất nhanh chóng và thuận lợi trong thời gian qua. Tuy nhiên, để chắc chắn về tác dụng bảo vệ của vắc-xin đối với con người, cần thêm nhiều thí nghiệm nữa.
Vi rút Zika là nguyên nhân của hàng ngàn ca dị tật ở trẻ sơ sinh (chứng teo não) tại Brazil vào năm 2015, khiến Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 2/2016.
Vào tháng 11 năm ngoái, WHO đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng loại vi rút hiện diện ít nhất ở 60 quốc gia này sẽ vẫn tiếp tục lây lan ở những khu vực có muỗi mang mầm bệnh.
Thế Vĩnh(lược dịch từ Reuters)