Thế giới

Vụ 39 người chết trong container: Vỡ giấc mộng đổi đời

ClockThứ Tư, 30/10/2019 14:47
Vụ 39 người nhập cư chết trong container đông lạnh khi đang bị bọn buôn người tìm cách đưa vào Anh bất hợp pháp khiến cả thế giới rúng động. Sự việc đau lòng này cho thấy nạn buôn người diễn ra với quy mô toàn cầu, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai ôm giấc mộng đổi đời ở "miền đất hứa nơi xứ người".

Di cư bất hợp pháp: Bài toán hóc búa không chỉ của nước AnhCampuchia chuyển trả 14 container chứa đầy rác về các nước xuất xứHà Lan phát hiện hóa chất peroxide độc hại dạt vào bờ biển

Hiện trường phát hiện xe tải chở 39 thi thể ở Anh. Ảnh: PA/TTXVN

Theo tờ Washington Post, 39 người nói trên gồm 8 phụ nữ và 31 đàn ông. Họ ở trên container đông lạnh được chở theo đường biển từ cảng Zeebrugge của Bỉ, cập bến cảng Purfleet ở Essex trên sông Thames lúc khoảng 0 giờ 30 phút ngày 23/10. Chiếc xe tải nhận thùng container tại Purfleet đã vào Anh theo đường khác thông qua phà từ Dublin, cập cảng Holyhead ở Bắc Wales ngày 20/10.

Lúc 1 giờ 5 phút ngày 20/10, xe tải chở theo container rời Purfleet. Chỉ 35 phút sau, cảnh sát nhận cuộc gọi từ dịch vụ cứu thương thông báo có nhiều người chết trong thùng container. Văn phòng Công tố liên bang Bỉ đang tập trung làm rõ chủ mưu vụ vận chuyển 39 người nhập cư này.

Giới chức Anh ngày 24/10 cho biết 39 người chết trong container tại khu công nghiệp Waterglade ở Đông Nam nước này có thể là nạn nhân của các băng đảng buôn người vào Anh qua container tàu biểu từ các cảng biển châu Âu. Đây là một trong những vụ giết người nghiêm trọng nhất ở Anh. Cảnh sát điều tra đã mở rộng ra cả Bỉ, Ireland, Bulgaria và Trung Quốc.

Cảnh sát Anh đã bắt người lái chiếc xe tải chở thùng container đông lạnh Maurice Robinson với cáo buộc Robinson phạm 39 tội danh gồm ngộ sát, buôn người, đưa người nhập cư trái phép và rửa tiền. Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh đang khẩn trương xác định các băng nhóm tội phạm có tổ chức khả nghi.

Các chuyên gia theo dõi xu hướng buôn người cho rằng những người chết trong container có thể bị ép lao động cưỡng bức một khi tới Anh hoặc họ có thể là người nhập cư trả tiền cho bọn buôn người để chúng đưa vượt biên. 

Đường dây buôn người toàn cầu

Người di cư ở Calais, Pháp. Ảnh: Telegraph

Vụ việc đau lòng mới đây trên khiến dư luận nhớ lại thảm kịch tháng 6/2000, khi thi thể 58 người Trung Quốc nhập cư bị phát hiện trong container ở thành phố cảng Dover của Anh. Năm 2004, ít nhất 21 người nhập cư Trung Quốc nhặt sò trên bờ biển ở Vịnh Morecambe trong đêm tối đã bị thủy triều cuốn trôi và thiệt mạng.

Các sự việc cho thấy nạn buôn người diễn ra tràn lan, quy mô toàn cầu và có tổ chức. Theo hãng tin Reuters, có một đường dây buôn người toàn cầu dính líu tới vụ đưa lậu 39 người nhập cư vào Anh.

Vụ việc mới nhất này đã cho thấy những "góc khuất" của nạn buôn người siêu lợi nhuận, chuyên dụ dỗ người nghèo từ châu Á, châu Phi và Trung Đông chọn con đường bất hợp pháp, bất chấp nguy hiểm, để tới phương Tây. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel phát biểu trước Quốc hội rằng cuộc điều tra sẽ lật tẩy đường dây tội phạm trải dài khắp thế giới này.

Một nghị sĩ Anh thuộc ủy ban quốc hội chống nạn buôn người nhận định buôn người là một ngành kinh doanh khổng lồ. Tội phạm coi buôn người còn kiếm được nhiều tiền hơn buôn ma túy. Người ít tiền sẽ chọn gói khoảng 10.000 đến 15.000 USD và sẽ phải đi bộ nhiều hơn. Người nhiều tiền thì chọn gói “VIP” với giá 40.000 đến 50.000 USD và sẽ được đi phần lớn hành trình bằng máy bay. Nhưng dù đi theo “gói” nào thì người nhập cư cũng đều bị thả ở biên giới và bị nhét vào các thùng container để chờ thời cơ vào Anh.

Số nạn nhân buôn người theo thống kê chính thức ở Anh là 7.000 người, song con số thực tế còn cao hơn nhiều, có thể là từ 20.000 đến 40.000 người mỗi năm. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính số nạn nhân buôn người lên tới 40,3 triệu. Theo Liên hợp quốc, chỉ riêng hai tuyến đường buôn người chính là từ châu Phi và Nam Mỹ đã có giá trị 10,26 tỷ USD/năm. 

Các băng đảng buôn người điều hành các đường dây hết sức tinh vi. Chúng có cả một mạng lưới người tìm đối tượng phù hợp ở các điểm nóng khắp thế giới, từ Trung Quốc tới tiểu vùng Sahara ở châu Phi.

Thủ đoạn của chúng là tiếp cận những người dễ bị tổn thương, rót vào tai họ những câu chuyện đường mật về cuộc sống trong mơ ở châu Âu, nơi họ có thể kiếm cả một gia tài. Chúng nói rằng ở đó có việc cho tất cả mọi người và thu nhập cao.

Để tiếp cận nhiều đối tượng hơn, bọn chúng quảng cáo dịch vụ đưa người di cư trên Facebook, đăng thông tin về hành trình, chi phí và mọi thứ liên quan. Tham gia đường dây tội phạm này có đủ dịch vụ, từ khách sạn, ô tô cho tới nhà hàng.

Calais ở Pháp là nơi mà bọn buôn người thường cho người nhập cư dừng chân để chờ đi chặng tiếp theo. Gần đây, cảnh sát đã quét sạch khu lều trại của người tị nạn gần Calais. Tại nhiều cảng, giới chức Anh dùng máy quét tầm nhiệt và máy đo CO2 để tìm người nhập cư bị giấu trong các thùng container.

Nhiều người làm việc cật lực trong các tiệm làm móng ở Anh để trả nợ

Khi buôn người qua các địa điểm đó khó khăn hơn, bọn tội phạm ngay lập tức chuyển hướng. Chúng tìm tới Zeebrugge ở Bỉ. Đây là cảng hàng hóa và container nên không ai tập trung vào việc tìm người nhập cư bị giấu trong thùng hàng. Nhân viên tại cảng chỉ làm nhiệm vụ thu thuế hàng hóa. Bỉ cũng không có biện pháp an ninh như chó nghiệp vụ hay máy giám sát công nghệ cao.

Do lỗ hổng này mà Zeebrugge trở thành tuyến đường hấp dẫn với tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, theo nhiều quan chức Anh, một khi Zeebrugge tăng cường kiểm soát để phát hiện người nhập cư bất hợp pháp, bọn buôn người chắc chắn sẽ tìm ngay con đường khác thay thế. Để ngăn chặn tình trạng này, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, từ cảnh sát, tình báo cho tới đối tác toàn cầu.

Tan giấc mộng đổi đời

Bà Lucy Moreton thuộc Liên đoàn Cơ quan Nhập cư (đại diện của người lao động làm việc trong lĩnh vực nhập cư, hải quan, biên giới Anh) cho biết ngày càng có nhiều người tìm cách tới Anh bằng mọi giá. Nhiều người ở Trung Quốc, Bangladesh và các nước khác trả tiền để bọn buôn người đưa tới Anh tìm việc với hy vọng đổi đời. 
Nơi ngủ nhếch nhác của người lao động nhập cư. Ảnh: The Sun

Nhiều gia đình cho biết con cái họ bị lừa tới Anh, hứa hẹn rằng hành trình rất an toàn, đi bằng ô tô bốn chỗ chứ không phải container. Nhiều người đã vay mượn tiền hoặc bán hết tài sản để cho người thân tìm đường ra nước ngoài, làm việc và gửi tiền về nhà. Nhiều người được hứa hẹn có việc làm và lương lên tới 3.800 USD/tháng.

Nếu sống sót sau hành trình vượt biên nguy hiểm, người nhập cư sẽ được bọn buôn người đưa tới làm việc trong những nơi trồng cây cần sa, nhà hàng hay các tiệm làm móng ở Anh. Từ đây, thực tế nghiệt ngã bắt đầu hiện ra trước mắt họ.

Một số vẫn nợ bọn buôn người hay người cho vay hàng nghìn USD. Bị nợ nần đè nặng, họ buộc phải chấp nhận làm mọi việc nặng nhọc, rủi ro để kiếm tiền và rất dễ bị bóc lột. Nhiều người làm cả chục tiếng mỗi ngày trong các tiệm làm móng hay trồng cần sa bất hợp pháp, thậm chí làm cả nghề mại dâm. Điều kiện lao động không khác gì nô lệ thời hiện đại.

Theo Li Hua, người Trung Quốc duy nhất sống sót sau thảm kịch ở Morecambe nói trên, anh buộc phải làm việc nhặt sò nặng nhọc vì không còn lựa chọn nào khác. Thay vì cuộc sống dễ dàng được hứa hẹn, Li phải làm 7 ngày một tuần trong điều kiện lạnh giá mà chỉ được trả 10 bảng Anh mỗi ngày. 

Li Hua có khi chỉ được ăn bánh mỳ và uống nước, ngủ trên nền bê tông lạnh lẽo, bốc mùi. Có lúc vì quá sợ các băng đảng nên Li phải chấp nhận làm việc không công. Li kể: “Mỗi ngày về bạn đều kiệt sức hoàn toàn và không thể làm gì khác ngoài ngủ”.

Với những người làm trong các khu trồng cần sa, họ bị khóa trong nơi làm việc, không biết ngày đêm. Họ phải chăm sóc cây cẩn thận vì nếu cây chết, họ sẽ bị đánh. Không ai dám trốn vì không biết đi đâu và sợ bị giết.

Cuộc sống khổ cực đó khiến nhiều người khi hối hận thì đã muộn. Với nhiều những người nhập cư trái phép, "miền đất hứa nơi đất khách quê người" đôi khi chỉ còn là ảo mộng. Đau lòng hơn, rất rất nhiều người còn không bao giờ đi hết hành trình đi tìm ảo mộng ấy. Vụ 39 người chết trong container ở Essex (Anh) chính là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Canada gia hạn lệnh cấm người nước ngoài sở hữu nhà thêm 2 năm

Ngày 5/2, chính phủ Canada tuyên bố gia hạn lệnh cấm người nước ngoài sở hữu nhà ở nước này thêm 2 năm, động thái được thực hiện nhằm giải quyết những lo ngại về việc người dân Canada bị đẩy ra khỏi thị trường nhà ở ở các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước.

Canada gia hạn lệnh cấm người nước ngoài sở hữu nhà thêm 2 năm
Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho tàu container vào cảng Chân Mây

Đó là thông tin từ Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây” vừa được ban hành, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.

Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho tàu container vào cảng Chân Mây
Cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế đầu tiên

Tàu Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD (Malaysia) xếp dỡ và vận chuyển 120 SOC container hàng hóa tuyến Sibu (Malaysia) - Chân Mây (Việt Nam) – Pontianak (Indonesia) đã cập cảng Chân Mây khoảng 16h ngày 9/9.

Cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế đầu tiên
Return to top