Tel Aviv của Israel trở thành thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Vietnamnet
Dữ liệu cho thấy, việc tăng giá chóng mặt đang góp phần khiến giá sinh hoạt của người dân thành phố tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm. Chỉ số năm 2021 của EIU, theo dõi chi phí sinh hoạt tại 173 thành phố trên thế giới, chỉ ra rằng thành phố Tel Aviv đã lần đầu tiên dẫn đầu chỉ số chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới của EIU, tăng từ vị trí thứ 5 vào năm ngoái.
Tel Aviv tăng thứ hạng chủ yếu là do đồng nội tệ của Israel (đồng shekel) tăng vọt. EIU cho rằng việc đồng shekel tăng giá mạnh so với đồng USD nhờ việc triển khai thành công vaccine COVID-19 của Israel.
Israel là quốc gia đã triển khai một trong những chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data, tính đến hôm qua (30/11), 62% dân số Israel đã được tiêm phòng đầy đủ. Vào đầu tháng 11, đồng shekel của Israel đã tăng 4% so với đồng USD tính từ đầu năm, Reuters cho biết.
Trong nghiên cứu mới nhất của EIU - xem xét giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 173 thành phố, khoảng 1/10 các loại hàng hóa ở Tel Aviv đã tăng giá trong năm nay.
Nói rộng hơn, EIU cho biết tính đến tháng 9/2021, tỷ lệ lạm phát tính theo đồng nội tệ của các loại giá cả mà đơn vị này theo dõi đã tăng 3,5% so với cùng kỳ, tăng từ mức chỉ 1,9% trong năm 2020. Điều này thể hiện tốc độ lạm phát nhanh nhất trong vòng 5 năm qua.
Theo EIU, các vấn đề về chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá hối đoái và thay đổi nhu cầu tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng giá hàng hóa và các mặt hàng khác. Nghiên cứu của EIU cũng chỉ ra rằng giao thông vận tải có mức tăng chi phí lớn nhất, với giá xăng/lít tăng trung bình 21% trong năm 2021.
Báo cáo về Chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới cho biết bảng xếp hạng năm nay tiếp tục “nhạy cảm” với những thay đổi do đại dịch COVID-19 mang lại. Dữ liệu khảo sát được thu thập trong khoảng thời gian từ ngày 16/8 đến ngày 12/8/2021, khi giá cước và giá hàng hóa trên thế giới đang tăng lên. Kết hợp với nhu cầu tiêu dùng biến động và sự thay đổi tỷ giá hối đoái, các vấn đề của chuỗi cung ứng dẫn đến việc tăng giá ở các thành phố lớn trên thế giới.
“Mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện đang phục hồi khi vaccine COVID-19 được triển khai, nhiều thành phố lớn vẫn đang chứng kiến số ca mắc tăng đột biến, dẫn đến các hạn chế về mặt xã hội. Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn”, bà Upasana Dutt, người đứng đầu bộ phận theo dõi Chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới tại EIU cho biết. Theo bà, giá cả dự kiến sẽ tăng hơn nữa ở nhiều thành phố trong năm tới, khi mức lương tăng lên.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng để ngăn chặn lạm phát”, bà nói và cho rằng những đợt tăng giá này nên bắt đầu ở mức vừa phải so với mức hiện tại.
Đứng đầu danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới hiện vẫn là các thành phố châu Âu và châu Á phát triển, trong khi các thành phố rẻ nhất chủ yếu nằm ở Trung Đông và châu Phi. Thành phố Damascus của Syria vẫn giữ vị trí là thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất trên thế giới khi nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột. 7/10 loại giá cả được xem xét trong nghiên cứu này ở Damascus đứng cuối bảng và 3 loại còn lại đứn gần cuối.
Danh sách 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021:
1. Tel Aviv, Israel
2. (Đồng hạng) Paris, Pháp
2. (Đồng hạng) Singapore, Singapore
4. Zurich, Thụy Sĩ
5. Hồng Kông, Trung Quốc
6. New York, Mỹ
7. Geneva, Swizterland
8. Copenhagen, Đan Mạch
9. Los Angeles, Mỹ
10. Osaka, Nhật Bản
|
BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC & AP)