Người dân xếp hàng bên ngoài một bưu điện ở thủ đô Manila, Philippines trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN
Một lượng lớn thông tin, bao gồm những tin đồn, thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm đã tiếp cận hàng triệu người, những người đang hy vọng hiểu được cách để giữ an toàn cho đến khi đại dịch được kiểm soát. Mức độ không chắc chắn cao đang khiến mọi người tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về virus có thể giúp họ hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trong thế giới xung quanh.
Tin giả trải dài từ những thông tin sai lệch về xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác, đến những tin đồn gây sợ hãi thúc đẩy mọi người đưa ra các quyết định sai lầm.
Đáng chú ý, nguy cơ ngày càng tăng của tin giả và thông tin sai lệch xuất hiện ngay theo sau sự gia tăng nhanh chóng về khả năng tiếp cận Internet và phương tiện truyền thông kỹ thuật số của các công dân ASEAN.
Theo Hãng tư vấn We Are Social, 69% trong số 672 triệu công dân của khu vực là người dùng Internet và truyền thông xã hội. Một báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company’s lưu ý rằng, trong năm 2020, 40 triệu công dân ASEAN đã lần đầu tiên lên mạng. Và với việc khu vực đang dần hướng tới sự chuyển đổi kỹ thuật số, trong khi vẫn còn 208 triệu người chưa kết nối, những con số này được dự báo sẽ liên tục tăng, nếu không muốn nói là theo cấp số nhân.
Tất cả sự tăng trưởng về việc sử dụng Internet này xảy ra vào thời điểm mà mọi người đang căng thẳng về những hoàn cảnh mới và lo sợ về tác động của đại dịch đối với sức khỏe và hạnh phúc của họ; kết quả là, “tạo thuận lợi” cho sự lan truyền nhanh chóng của những thông tin sai lệch và tin đồn. Tình huống này không may đã bị lợi dụng bởi những kẻ có ý đồ xấu.
Sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số trong việc ảnh hưởng đến quan điểm và hành vi của người dung, và tốc độ mà xã hội thay đổi do sự gián đoạn công nghệ này đang khiến nhiều tổ chức công và tư không thể nhanh chóng thích ứng.
Ở cấp độ chính sách, khu vực ASEAN đã thực hiện nhiều nỗ lực để giải quyết các tác động tiêu cực của thông tin gây hiểu lầm. Cụ thể, trong năm 2017, ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về văn hóa phòng ngừa hướng tới một xã hội hòa bình, hòa nhập, tự lực tự cường, khỏe mạnh và hài hòa; trong đó kêu gọi các hành động phối hợp nhằm thúc đẩy những giá trị của hành vi đúng đắn chống lại sự lừa dối có chủ ý.
Vào năm 2018, các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Thông tin (AMRI) đã thông qua Khuôn khổ và Tuyên bố chung để giảm thiểu tác hại của tin giả, và đưa ra các Giá trị Cốt lõi về Kỹ thuật số cho ASEAN, nhằm thúc đẩy an ninh mạng lớn hơn như một phần của nỗ lực chống lại sự lừa dối trực tuyến. Các Giá trị Cốt lõi nhằm mục đích tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và thuận lợi.
Gần đây nhất, vào năm 2020, AMRI đã thông qua Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực truyền thông và thông tin trong đại dịch. Điều này thể hiện quyết tâm của khu vực trong việc khuyến khích sự trao đổi thường xuyên những cập nhật và thông tin chính thức, phát triển các hướng dẫn khu vực và một nền tảng chung nhằm tạo điều kiện chia sẻ thông tin kịp thời và tăng cường hơn nữa sự hợp tác truyền thông và thông tin.
Tại một sự kiện gần đây do Ban Thư ký ASEAN và Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức, Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, ông Kung Phoak cho rằng, cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra của thế giới đã làm trầm trọng thêm vấn đề thông tin sai lệch. Ngoài sự phát triển của việc truy cập trực tuyến, người dùng Internet trung bình ở Đông Nam Á đang dành thêm một giờ đồng hồ trực tuyến mỗi ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu xảy ra.
Cùng lúc đó, những kẻ phát tán tin giả đang phát triển những phương pháp tiếp cận ngày càng tinh vi.
“Các quốc gia thành viên ASEAN có mức sử dụng Internet cao, như Philippines và Indonesia có nguy cơ trở thành điểm nóng của thông tin sai lệch trong thời điểm mà thủ phạm đã áp dụng phương thức hoạt động ngày càng tinh vi”, bà Marites Vitug, biên tập viên của trang web tin tức trực tuyến Rappler tại Philippines nhận định.
Phương pháp tiếp cận toàn xã hội
Bài viết cho rằng, không một quốc gia nào miễn nhiễm với “đại dịch thông tin” này. Để giải quyết vấn đề, ASEAN cần áp dụng sự tiếp cận toàn xã hội để chống lại tin giả và thông tin sai lệch. Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm các Chính phủ, học giả, người dân và người dùng, các nền tảng công nghệ và các nhóm chuyên nghiệp, là cần thiết để tạo ra một không gian trực tuyến an toàn.
Qua đó, tác giả của bài viết đề xuất 6 hành động mà các bên liên quan ASEAN có thể thực hiện. Đầu tiên, các quốc gia thành viên ASEAN cần cập nhật luật và quy định liên quan về thông tin sai lệch, nâng cao nhận thức của cộng đồng về luật thông tin sai lệch. Bản chất thay đổi nhanh chóng của tin giả đòi hỏi các quốc gia phải cải thiện môi trường pháp lý và quy định để chống lại thông tin sai lệch. Hơn nữa, nhiều công dân ASEAN không nhận thức được rằng, việc phát tán tin giả là vi phạm luật pháp quốc gia của họ; do đó, nhận thức của công chúng về việc xử lý hình sự đối với tin giả cũng phải được cải thiện.
Thứ hai, các nền tảng truyền thông xã hội phải thực thi những nguyên tắc cộng đồng. Thứ ba, các Chính phủ và khu vực tư nhân có thể triển khai những biện pháp giáo dục và các chiến dịch sáng tạo nhắm mục tiêu đến người dùng Internet để tăng cường sự hiểu biết về thông tin và truyền thông của họ. Kiến thức được nâng cao sẽ giúp người dùng Internet phân biệt sự thật khỏi sự giả dối; giúp họ xác định rõ hơn nội dung có phải là tin giả hay không.
Thứ tư, vai trò của các trường đại học là không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại tin giả, và các học giả có thể đóng vai trò là người kiểm tra sự thật cho các Chính phủ và những nền tảng truyền thông xã hội của ASEAN. Thứ năm, cần thúc đẩy những nguồn kiểm tra sự thật để xác minh thông tin.
Cuối cùng, ASEAN có thể giải quyết tin giả xuyên biên giới bằng cách thành lập một lực lượng đặc nhiệm, được chỉ định để giải quyết tin giả trong khu vực và toàn cầu, đồng thời khuyến khích các Chính phủ ASEAN và giới truyền thông chủ động chia sẻ thông tin khi đối phó với hiện tượng này.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)