Vắc-xin ngừa COVID-19 được nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm ở tiểu bang Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Giờ đây, với những hy vọng về vắc-xin ngừa COVID-19, WHO và các chuyên gia cảnh báo, những hiện tượng tương tự này có thể gây nguy hại cho việc triển khai các chương trình tiêm chủng nhằm chấm dứt đại dịch.
WHO nhận định, COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử, trong đó công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng trên một quy mô rộng lớn, để giữ cho mọi người được an toàn, được cung cấp thông tin và kết nối... "Đồng thời, công nghệ mà chúng ta dựa vào để giữ kết nối và nắm tình hình đang kích hoạt và mở rộng một đại dịch tin giả, tiếp tục phá hoại phản ứng toàn cầu và gây nguy hiểm cho các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch", WHO lưu ý.
Hơn 1,4 triệu người đã thiệt mạng kể từ khi đại dịch bùng phát hồi cuối năm ngoái. Hiện nay, 3 nhà phát triển vắc-xin bao gồm: Pfizer - BioNTech, Moderna, và Đại học Oxford – AstraZenec đã nộp đơn xin phê duyệt để vắc-xin của họ được sử dụng sớm nhất là vào tháng 12 này; trong khi đó, một số Chính phủ cũng đã có kế hoạch bắt đầu tiêm vắc-xin cho những người dễ bị tổn thương nhất trong năm nay.
Tuy nhiên, các Chính phủ cũng phải đối mặt với sự hoài nghi về vắc-xin được phát triển với tốc độ kỷ lục vào thời điểm mà phương tiện truyền thông xã hội vừa là công cụ để cung cấp thông tin đúng và cả những thông tin sai lệch về virus.
WHO định nghĩa, "đại dịch tin giả" là một lượng thông tin quá phong phú, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm "những nỗ lực cố ý phổ biến thông tin sai lệch". Kể từ tháng 1, Hãng Thông tấn AFP đã xuất bản hơn 2.000 bài báo xác minh thực tế, nhằm loại bỏ những tuyên bố sai lệch về đại dịch COVID-19.
WHO khẳng định: "Nếu không có sự tin tưởng thích đáng và thông tin chính xác, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch tiêm chủng, hoặc những chiến dịch để thúc đẩy các loại vắc-xin hiệu quả sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục lây lan".
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)