Thế giới

WHO báo động khi 1/3 trẻ em ở châu Âu bị thừa cân hoặc béo phì

ClockThứ Năm, 11/05/2023 10:20
TTH.VN - Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức độ béo phì ở châu Âu vừa được công bố hôm qua (10/5) cho thấy khoảng 1/3 số trẻ em ở độ tuổi tiểu học ở châu lục này đang sống chung với bệnh béo phì hoặc thừa cân, và ước tính con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Thị trường trị liệu béo phì toàn cầu có thể trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030WHO cảnh báo "dịch" béo phì đang ngày càng trầm trọng ở châu ÂuĐối phó với tình trạng béo phì gia tăng ở trẻ em trong ASEAN

leftcenterrightdel
Thực trạng béo phì ở trẻ em tại khu vực châu Âu đang vẽ nên một bức tranh đáng báo động. Ảnh: Getty Image

Theo WHO, báo cáo về tình trạng béo phì ở trẻ em tại khu vực châu Âu đang vẽ nên một bức tranh đáng báo động.

Môi trường nhiều thách thức

Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho rằng “con cái chúng ta ngày càng lớn lên trong những môi trường khiến chúng rất khó có chế độ ăn uống lành mạnh và năng động. Đây là nguyên nhân gốc rễ của dịch béo phì”.

Cũng theo Tiến sĩ Kluge, “với tư cách là các xã hội và quốc gia, chúng ta đến nay đã thất bại trong việc đảo ngược tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang gia tăng”. Ông cũng cho rằng đây thực sự là “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngấm ngầm”, từ đó kêu gọi sự ủng hộ chính trị đối với vấn đề này trước khi nó trở nên khó giải quyết hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Milanović cho biết “béo phì ở trẻ em là một căn bệnh có tỷ lệ ở mức “dịch bệnh” và Croatia, cũng như toàn bộ khu vực châu Âu, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một căn bệnh không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân mà còn là gánh nặng kinh tế đáng kể cho xã hội. Ước tính rằng ở Croatia, cũng như trong toàn bộ khu vực châu Âu, hơn 2% GDP dành cho các chi phí liên quan đến bệnh béo phì”.

Dự báo nguy hiểm

Dựa trên các xu hướng hiện tại và dữ liệu về béo phì ở khu vực châu Âu của WHO - bao gồm 53 quốc gia trên khắp châu Âu và Trung Á, Bản đồ Béo phì Thế giới năm 2023 của Liên đoàn Béo phì Thế giới dự đoán rằng trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2035, số bé trai sống chung với bệnh béo phì sẽ tăng 61%, và con số này ở bé gái sẽ tăng 75%.

Atlas ước tính rằng đến năy 2035, tổng cộng sẽ có 17 triệu bé trai và 11 triệu bé gái ở độ tuổi từ 5 - 19 ở trong khu vực châu Âu sống chung với bệnh béo phì. Đến lúc đó, tình trạng thừa cân và béo phì ở tất cả các nhóm tuổi được dự đoán sẽ tiêu tốn của khu vực này 800 tỷ USD/năm.

Giải pháp

Khu vực châu Âu đã xác định ba hành động cụ thể để chống lại các xu hướng hiện tại và giúp ngăn chặn dịch bệnh thầm lặng này trở nên tồi tệ hơn, bao gồm:

- Phòng bệnh hơn chữa bệnh: nỗ lực giảm béo phì ở trẻ em phải bắt đầu sớm, ngay từ khi mang thai và thời thơ ấu. Việc phòng ngừa cần tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt ở tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của trẻ. Các nỗ lực phòng ngừa cũng cần thiết trong gia đình, trường học và trong cộng đồng rộng lớn.

- Điều chỉnh ngành thực phẩm và đồ uống: các chính sách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em bao gồm đánh thuế đối với đồ uống có đường, yêu cầu ghi nhãn rõ ràng trên bao bì và hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho trẻ em.

- Thúc đẩy hoạt động thể chất: điều này bao gồm các chính sách giao thông và thiết kế đô thị tốt hơn, tăng cường các hoạt động thể chất trong chương trình giảng dạy ở trường và các hoạt động ngoại khóa, và truyền tải rõ ràng các thông điệp để hỗ trợ lối sống năng động trong suốt cuộc đời.

Mối liên hệ giữa béo phì và các bệnh khác

Thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở khu vực châu Âu, với những ước tính gần đây cho thấy chúng gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong hàng năm, tương đương với hơn 13% tổng số ca tử vong.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm (NCD), bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và bệnh hô hấp mãn tính.

Béo phì cũng được coi là nguyên nhân gây ra ít nhất 13 loại ung thư khác nhau và có khả năng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ít nhất 200.000 ca ung thư mới hàng năm trên toàn khu vực, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Ngoài ra, những người thừa cân và những người mắc bệnh béo phì, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của đại dịch COVID-19, thường mắc bệnh nặng hơn và các biến chứng khác.

“Bởi vì béo phì rất phức tạp, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau như di truyền, môi trường và tình trạng kinh tế xã hội, nên không có biện pháp can thiệp đơn lẻ nào có thể ngăn chặn sự gia tăng của nó”, Tiến sĩ Kluge giải thích, do vậy, bất kỳ chính sách quốc gia nào nhằm giải quyết vấn đề thừa cân và béo phì đều phải có cam kết chính trị cấp cao đằng sau. Chúng cũng phải toàn diện, tiếp cận các cá nhân trong suốt cuộc đời và hướng tới việc thu hẹp sự bất bình đẳng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2/3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất

Theo báo cáo mới của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chỉ 1/3 các vùng mặt nước của châu Âu có chất lượng tốt, trong khi nhiều sông, hồ và vùng nước ven biển của khu vực này “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất”. Ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than và thuốc trừ sâu từ nông nghiệp được xem là hai trong số những “thủ phạm chính”.

2 3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất
Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN

Cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh mới nhất của Liên minh châu Âu - ASEAN chỉ ra rằng 59% doanh nghiệp châu Âu cảm thấy EU không đóng góp vào việc hỗ trợ lợi ích của họ ở Đông Nam Á, đánh dấu mức độ không hài lòng cao nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện vào năm 2015.

Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN
Return to top