Tiêm vaccine cho trẻ là cách hưu hiệu để phòng bệnh rubella. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Tiến bộ này đạt được nhờ việc mở rộng quyền tiếp cận với rubella an toàn và hiệu quả cao, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp. Vaccine này đã được chứng minh có thể ngăn ngừa hơn 95% số ca nhiễm rubella.
Một bệnh suy nhược nghiêm trọng
Đối với phần lớn trẻ em và người lớn, rubella - còn được gọi là sởi Đức - là một bệnh nhiễm trùng nhẹ, có thể chỉ gây sốt nhẹ và phát ban. Tuy nhiên, nó mang lại những rủi ro sức khỏe to lớn nếu người phụ nữ mắc bệnh khi đang mang thai. 90% phụ nữ bị rubella sớm trong thai kỳ sẽ truyền nó cho thai nhi.
Nhiễm rubella sớm trong thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu hoặc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) ở em bé - một tình trạng gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và khuyết tật suốt đời, như khiếm thị, khiếm thính và có vấn đề về tim. Khiếm thính xảy ra ở khoảng 2/3 số trẻ sinh ra mắc chứng CRS.
Ở nhiều quốc gia, nhờ tiêm phòng, rubella và CRS đã trở thành “căn bệnh của quá khứ”. Tuy nhiên, cũng giống như bệnh sởi, rubella có thể được phòng ngừa bằng vaccine nhưng cũng có thể nhanh chóng hồi sinh ở bất cứ nơi nào mà người dân không được tiêm phòng.
Trước khi có vaccine, Mỹ đã trải qua một đợt bùng phát rubella quy mô lớn vào năm 1964 với 12,5 triệu ca nhiễm bệnh, gây ra hơn 20.000 trường hợp mắc CRS và hơn 11.000 trường hợp sẩy thai và thai chết lưu. Sau đó, rubella đã bị loại ở Mỹ, nhưng những đợt bùng phát nghiêm trọng lại tái diễn ở nơi khác - bao gồm, gần đây nhất là Nhật Bản năm 2018-2019. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 trẻ em được sinh ra mắc CRS.
Cần đẩy mạnh chương trình tiêm chủng
Để loại bỏ rubella, vaccine rubella phải được đưa vào lịch tiêm chủng quốc gia. Thông thường vaccine này được sử dụng kết hợp với vaccine sởi và quai bị, có nghĩa là nó có thể dễ dàng được đưa vào các chương trình tiêm chủng hiện có.
Tuy nhiên, dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng hiện vẫn có 26 quốc gia chưa đưa vaccine rubella vào lịch tiêm chủng, khiến 3/10 trẻ em trên toàn cầu không được tiếp cận với vaccine này. Những lỗ hổng lớn nhất vẫn tồn tại ở châu Phi, nơi có khoảng 6/10 quốc gia vẫn chưa cung cấp vaccine thường xuyên cho trẻ sơ sinh.
Trong nghiên cứu mới nhất của WHO và CDC về việc loại bỏ rubella, trong năm 2016, ước tính có 47% trẻ sơ sinh được bảo vệ chống lại rubella, nhưng đến năm 2018, con số này đạt mức 69%.
Từ năm 2000, với sự hỗ trợ từ các đối tác bao gồm Sáng kiến Sởi & Rubella và Gavi, Liên minh vaccine, thêm 69 quốc gia đã cung cấp vaccine rubella cho trẻ sơ sinh trong các chương trình tiêm chủng quốc gia - nâng tổng số lên 168 trong số 194 quốc gia thành viên của WHO.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ WHO)