Tọa đàm có sự tham gia của 2 diễn giả chính là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan Sihasak Puangketkaew và nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh, cùng Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat và Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng.
Tọa đàm: “Đưa ASEAN phát triển xa hơn: Từ nhiệm kỳ Chủ tịch của Thái Lan 2019 đến ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam 2020”
Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan
Để chuẩn bị bước vào năm 2020 với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tích cực tham vấn và học hỏi những kinh nghiệm từ Thái Lan trong năm Chủ tịch ASEAN 2019.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của Thái Lan trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan Sihasak Puangketkaew cho biết, Thái Lan tiếp quản vai trò Chủ tịch ASEAN từ Singapore trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, với những cố gắng nỗ lực, Thái Lan đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019, đóng góp cho ASEAN nhiều thành tựu về gắn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng.
Từ trái sang phải: Đại sứ Thái Lan Tanee Sangrat, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Puangketkaew, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng và nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh
Ông Puangketkaew bày tỏ hy vọng, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể tiếp tục đưa những nội dung đàm phán còn dang dở từ Năm ASEAN 2019 đi đến thành công.Ông Puangketkaew cũng thẳng thắn chia sẻ, về vấn đề Biển Đông, có thể còn nhiều người chưa cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên các bên đã đi đến sự đồng thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đạt được nhận thức chung về COC. Theo ông, ASEAN cần tiếp tục đàm phán giữa các bên nhằm thúc đẩy thực hiện COC.
“Tôi nghĩ Thái Lan đã có 1 năm thành công khi nỗ lực hết sức mình đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ Singapore. Chúng tôi kỳ vọng nhiều về năm Chủ tịch của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam sẽ dẫn dắt ASEAN trong thời điểm quan trọng này. Chúng tôi sẽ hợp tác với phía Việt Nam để đảm bảo sự thành công trong năm Chủ tịch ASEAN. Không chỉ Thái Lan mà các nước trong khu vực cũng đều kỳ vọng và tin tưởng vào Việt Nam”, ông Puangketkaew nói.
Xây dựng ASEAN đoàn kết, duy trì vai trò trung tâm
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết, trong năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan, các chương trình của ASEAN, đặc biệt việc xây dựng cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường kết nối trong ASEAN là những mục tiêu lâu dài của khối. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức như sự cạnh tranh giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những tác động của thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề an ninh phi truyền thống…
Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam
Câu chuyện trong ASEAN từ năm Chủ tịch của Singapore 2018 là lấy tự cường và sáng tạo để làm động lực phát triển rồi đến Thái Lan là đối tác vì bên vững rồi đến Việt Nam là Gắn kết và chủ động sáng tạo, đều có nhiều điểm chúng trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.Chủ đề của Thái Lan trong năm ASEAN 2019 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, tức là bền vững trong phát triển, bền vững trong xây dựng cộng đồng, bền vững trong ứng phó với các thách thức… Điều đó cho thấy, các thành viên phải tập trung nỗ lực vào những mục tiêu lâu dài của ASEAN, làm nổi bật vị trí trung tâm, vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, trong bối cảnh có nhiều thách thức từ sự cạnh tranh của các nước lớn, bài toán đặt ra cho ASEAN là phải cân bằng, không đứng về bên này hay bên kia mà vẫn giữ quan hệ tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, “ASEAN luôn phải giữ vững những nguyên tắc của mình, phải đoàn kết nội khối. Việc đoàn kết này trước hết là phải thấy được lợi ích của đất nước mình gắn với lợi ích của ASEAN đoàn kết, vững mạnh và có thể ứng phó được với những thay đổi của cục diện thế giới và khu vực”.
“Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, tôi tin rằng chúng ta vẫn quyết tâm làm được những mục tiêu chung của ASEAN về xây dựng cộng đồng, hướng tới Cộng đồng ASEAN 2025. Bên cạnh đó, chúng ta phải có một loạt sáng kiến để nâng cao vai trò của ASEAN trong chủ động thích ứng, tức là làm sao để ASEAN giành thế chủ động trước những biến đổi của tình hình, bao gồm cả những rủi ro thách thức và cả những cơ hội. Chắc chắn Việt Nam sẽ phải tham vấn với các nước thành viên để đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau”, nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói.
Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, một trong những việc ASEAN phải làm trong năm 2020 là kiểm điểm lại giữa kỳ câu chuyện mà ASEAN xây dựng cộng đồng từ 2015 đến nay và đến năm 2020 sẽ như thế nào, đồng thời định hướng cho ASEAN xây dựng hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn từ 2020 đến 2025. Khi thế giới thay đổi với sự cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN vẫn giữ quan hệ tốt với các nước mà không bị rơi vào bẫy cạnh tranh. Mặt khác, các diễn đàn của ASEAN có các nước lớn như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á, hay ADMM+, thì ASEAN phải duy trì được tiếng nói của mình, thế dẫn dắt của mình.
Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, để thực hiện được vai trò dẫn dắt của mình, ASEAN phải đoàn kết, phải đưa ra được các sáng kiến phù hợp với sự ứng phó của khu vực, phải tham vấn rộng rãi, không chỉ trong ASEAN mà cùng với các nước khác để tìm ra được những điểm chung nhất.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, với những kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam sẽ linh hoạt ứng phó trong điều kiện mới, thời cơ mới” để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Theo VOV