Điều kiện tập luyện hạn chế làm giảm chỉ số chuyên môn của các VĐV bơi lặn
Nằm trong chương trình thi đấu thể thao thành tích cao của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, Giải Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m là giải đấu khởi động trong hệ thống mùa giải quốc gia ở môn bơi - lặn. Giải đấu được tổ chức hằng năm nhằm đánh giá công tác đào tạo vận động viên (VĐV) môn bơi, lặn. Qua đó, có hướng tuyển chọn các VĐV trẻ, có thành tích xuất sắc, tập trung đầu tư, bồi dưỡng vào đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu khu vực và quốc tế.
Niềm hy vọng mang tên Trà My
Lướt qua danh sách những gương mặt bơi lặn sẽ góp mặt vào tháng 3 tới tại Huế trong khuôn khổ là giải bơi lặn đầu tiên trong năm 2023, đó là Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng), Trần Hưng Nguyện (Quân Đội), Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Bình), Phạm Thị Thảo (Bình Phước), Phạm Thị Vân (Thanh Hóa), Phạm Thị Thu (Hải Dương)… Rất nhiều trong số đó là thành viên của đội tuyển bơi - lặn quốc gia, từng bước lên bục nhận huy chương tại đấu trường khu vực và cả của châu lục. Đây được xem là những thách thức lớn, khó vượt qua không những với đội tuyển bơi - lặn Thừa Thiên Huế.
Hoàng Thị Trà My (bìa phải), niềm hy vọng cho bơi lặn của Huế
Phải nhìn nhận rằng, tại giải đấu này, thành tích của đội tuyển Thừa Thiên Huế còn khá khiêm tốn, và những tấm huy chương có được đều tập trung ở môn lặn. Năm 2016, đội tuyển bơi lặn Thừa Thiên Huế giành 1 HCĐ ở nội dung 4 x 100m CVĐ (lặn chân vịt đôi) tiếp sức. Năm 2019, VĐV Lê Thế Triều đạt HCĐ ở nội dung 400m CVĐ. Đáng tiếc là Lê Thế Triều và các VĐV chủ lực, như Dương Thị Cẩm, Lê Ngọc Hoàng… đã sớm xin giải nghệ để đi học đại học, để lại một khoảng trống lớn cho đội tuyển bơi - lặn tỉnh nhà.
Chuẩn bị cho Giải Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m năm 2023 và cả trước đó nữa thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc - năm 2022, đội tuyển bơi lặn Thừa Thiên Huế không còn cách nào khác ngoài trông chờ vào sự trưởng thành và tạo đột phá, bất ngờ từ những VĐV trẻ. Mục tiêu tham gia giải đấu lần này không thay đổi, thi đấu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm ở các VĐV xuất sắc, phấn đấu vào chung kết ở các nội dung tham gia. Trọng trách của môn bơi sẽ được giao cho các VĐV trẻ tiềm năng, như: Phạm Trần Mỹ Hân (50m ếch, 100m ếch, 200m ếch), Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Thị Lài (50m tự do, 100m tự do, 200m tự do).
So giữa bơi và lặn, hy vọng có huy chương dồn vào môn lặn với cái tên sáng giá là Hoàng Thị Trà My. Tại giải đấu này, VĐV lặn Hoàng Thị Trà My tham gia thi đấu ở các nội dung: 50m CVĐ, 100m CVĐ, 50m VHCV (vòi hơi chân vịt) với mục tiêu đặt ra là vượt qua vòng đấu loại để vào chung kết ở các nội dung tham gia thi đấu. Niềm tin đặt vào Hoàng Thị Trà My là có cơ sở khi mới đây, tại Giải Bơi lặn vô địch các nhóm tuổi quốc gia năm 2022, VĐV Hoàng Thị Trà My lập kỷ lục Nhóm tuổi trẻ quốc gia 50m lặn CVĐ.
Tích cực chuẩn bị
Hơn một tháng qua, Ban huấn luyện bộ môn bơi lặn tích cực tập trung triển khai chuẩn bị kế hoạch chuyên môn cũng như tập trung trọng điểm một số vận động viên trẻ nòng cốt, như môn lặn, gồm Hoàng Thị Trà My và Võ Minh Nhật; phía bên môn bơi là 3 gương mặt trẻ: Phạm Tuấn Anh, Phạm Trần Mỹ Hân và Nguyễn Thị Lài. Được sự quan tâm và chỉ đạo của Ban giám đốc Trung tâm Thể thao, trước đó Ban huấn luyện bộ môn tích cực triển khai kế hoạch huấn luyện trong năm 2022 nhằm làm tạo nền tảng vững chắc cho lực lượng VĐV hướng đến kế hoạch huấn luyện tham gia thi đấu các giải bơi lặn trong năm 2023. Đặc biệt là Giải Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m tại Huế vào tháng 3 này.
Võ Minh Nhật (bìa trái) từng đạt 3 HCB tại một giải đấu
Khó khăn nhất trong thực hiện kế hoạch tập luyện và công tác chuẩn bị là, từ tháng 10 thời tiết ở Huế chuyển mưa lạnh kéo dài đến cuối tháng 1/2023 nên môn tập luyện ngoài trời như bơi - lặn bị ảnh hưởng rất lớn. Hầu như các VĐV phải tập thể lực trên cạn để duy trì. Không xuống nước trong thời gian dài dễ mất cảm giác nên những chỉ số chuyên môn của các VĐV bơi lặn tập luyện trong năm 2022 giảm sút rất nhiều. Bên cạnh đó, việc học văn hóa của các em VĐV thể thao Thừa Thiên Huế rất dày đặc. Ban huấn luyện phải bám sát thời khóa biểu học văn hóa của các VĐV ở trường để sắp xếp lịch tập phù hợp. Các VĐV tập trung tập luyện chủ yếu vào buổi chiều, tranh thủ luôn cả ngày thứ 7, chủ nhật để tập luyện và sẽ được nghỉ để hồi phục thể lực vào ngày thứ 2.
“Táo vẫn còn xanh” là một nhận xét xác thực dành cho các thành viên trong đội tuyển bơi lặn của Huế hiện tại. Vấn đề đặt ra tại Giải Bơi lặn vô địch Quốc gia bể 25m sắp tới đối với Hoàng Thị Trà My và đồng đội là nỗ lực vượt lên chính mình để đạt được những mục tiêu. Còn về lâu dài, mong ước của thầy và trò bộ môn là bể bơi có hệ thống nước nóng để tập luyện nâng cao thành tích vào mùa đông và giải quyết được vấn đề lịch học văn hóa của VĐV ở trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tập trung tập luyện chuyên môn để cống hiến thành tích thể thao chung cho tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Bá Trí