Chuyện đường dài của cầu lông Thừa Thiên Huế còn nhiều khó khăn
Hãy còn... non
Năm năm về trước, tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018, cầu lông Huế đăng ký góp mặt 6 VĐV. Đó là đội hình kết hợp giữa lớp “già” với Nguyễn Thế Bảo, Nguyễn Văn Vũ và lớp “trẻ” như Huỳnh Thị Thanh Nhi, Nguyễn Văn Phong. Ngay trước thềm giải đấu đã có tin không vui khi 2 cây vợt chủ lực là Ngô Viết Ngọc Huy và Nguyễn Hồng Nhung gặp chấn thương đầu gối khá nặng.
Năm nay, cầu lông tiếp tục góp mặt là một trong số 15 bộ môn mà đoàn thể thao Thừa Thiên Huế đăng ký tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 12 tới. Bộ môn cầu lông đăng ký thi đấu 6 vận động viên, gồm 5 vận động viên nam và 1 vận động viên nữ; tham gia 5 nội dung: Đồng đội nam, đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nam nữ. So với đội hình trước đó 5 năm, đội hình này gần như “mới toanh”.
Chuyện đường dài của cầu lông Thừa Thiên Huế còn nhiều khó khăn
Theo ông Đặng Nhĩ Hà, Trưởng bộ môn cầu lông Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, tuyển trẻ và thiếu niên có các em Nguyễn Quốc Phi, Trần Nguyễn Nhật Vũ giành HCĐ tại Giải Thiếu niên trẻ xuất sắc. Đặc biệt, Nguyễn Nhật Vũ còn xuất sắc giành được HCĐ Giải vô địch trẻ, giải đấu Quốc gia xếp cao nhất, chỉ sau Giải Vô địch Quốc gia. Thế nhưng, thành tích của các VĐV trẻ vừa nêu là chỉ là những điểm sáng, xem ra còn mang tính nhỏ lẻ và chưa thực sự lan tỏa. Mục tiêu của cầu lông tại Đại hội TDTT toàn quốc lần này chỉ khiêm tốn ở mức lọt vào vòng 1/8 trong tất cả các nội dung tham gia thi đấu.
“Các vận động viên của Thừa Thiên Huế chỉ mới ở tuyển trẻ nên ngay cả tấm HCĐ cũng không dám mơ” - ông Đặng Nhĩ Hà, Trưởng bộ môn cầu lông Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế khiêm tốn. Cũng theo ông Hà, Đại hội TDTT “căng” lắm. Cầu lông là môn phổ biến nên số lượng các tỉnh tham gia thi đấu đông. Các “nôi” cầu lông thường đầu tư lớn trong tập luyện, tập huấn (trong và ngoài nước), thi đấu giao hữu, thậm chí mua quân... Điều này không dễ dàng với Thừa Thiên Huế, khi địa phương đang gặp nhiều khó khăn.
Chuẩn bị cho Đại hội TDTT sắp được khai mạc, đội tuyển cầu lông đang ráo riết tập luyện. Cường độ tập luyện được nâng cao, tăng cường mỗi ngày 3 buổi. Tuy nhiên, khó khăn là gặp trở ngại về thời tiết. Mưa nhiều, dột sân ẩm trơn, cơ sở xuống cấp trầm trọng nên thường xuyên bị gián đoạn. Khó khăn nhưng không vì thế bộ môn cầu lông Thừa Thiên Huế bỏ cuộc. Hiện tại, đội tuyển đang nỗ lực để thực hiện mong muốn có thể làm được điều bất ngờ tại đại hội. Trong kế hoạch chuẩn bị cho đại hội, ban huấn luyện bộ môn cầu lông đang tập trung cho các VĐV tập luyện thể lực và tập kỹ, chiến thuật.
Khó tính chuyện đường dài
Rõ ràng, khi mà Đại hội TDTT toàn quốc chỉ là một cuộc “dạo chơi” thì “tính đường dài” cho môn cầu lông là vấn đề đặt ra. Cầu lông Thừa Thiên Huế từng có một vận động viên tên tuổi là Nguyễn Quang Phong. Tại SEA Games 2005, Nguyễn Quang Phong đã giành được tấm HCĐ đồng đội nam, đồng hạng với Thái Lan.
Giai đoạn 2005 - 2015, bên cạnh VĐV Nguyễn Quang Phong còn có Ngô Viết Ngọc Huy, Dương Quốc Khánh và Trần Thị Thanh Xuân. Dương Quốc Khánh và Trần Thị Thanh Xuân liên tục giành huy chương ở các giải trẻ. Còn Ngô Viết Ngọc Huy luôn dao động trong top 6 - 10 toàn quốc. Đáng tiếc, Ngô Viết Ngọc Huy đang ở đỉnh cao phong độ, vẫn còn nằm ở vị trí thứ 8 (năm 2013) trong bảng xếp hạng cầu lông toàn quốc thì bất ngờ giải nghệ (năm 2015). Cùng với việc Ngô Viết Ngọc Huy “nghỉ chơi”, còn có nhiều tên tuổi khác cũng bằng cách này hay cách khác chia tay cầu lông Thừa Thiên Huế.
Không phải ngẫu nhiên mà Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Không có vị thế hàng đầu như các môn vật, điền kinh, taekwondo, karatedo, bơi - lặn, cờ vua được xếp vào môn thể thao trọng điểm nhóm 1 khi cùng với đá cầu, judo, cờ tướng, bắn cung và bóng đá, cầu lông được xếp vào bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 2, được tập trung đầu tư không chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025 mà còn lâu dài hơn nữa.
Sự xuất hiện của nhiều VĐV tên tuổi một thời dọc ngang như Nguyễn Quang Phong chỉ là một yếu tố. Đáng nói ở Thừa Thiên Huế là mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào luyện tập cầu lông trở thành môn thể thao hiện diện thường xuyên trong nhiều đơn vị, cơ quan, ban, ngành cũng như nhiều cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn tỉnh có hàng trăm sân thi đấu trong nhà và sân cầu lông ngoài trời, nhiều câu lạc bộ, điểm tập, thu hút sự tham gia tập luyện của hàng nghìn người ở mọi lứa tuổi. Ngoài 9 huyện, thị, thành phố, phong trào cầu lông còn được “phủ sóng” rộng khắp ở các xã, phường.
Đáng tiếc là, dù phong trào cầu lông ở Huế nằm trong top những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước nhưng số người tập luyện cầu lông đa phần rơi vào độ tuổi 25 trở lên - quá tuổi để trở thành VĐV chuyên nghiệp. Khó khăn lớn là khâu tuyển chọn VĐV. Các bậc phụ huynh ít cho con đi theo hướng trở thành VĐV chuyên nghiệp. Đó là rào cản khiến cho việc tính chuyện đường dài của môn cầu lông Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: BÁ TRÍ