Thể thao

Cơ hội để tài năng nhí tỏa sáng

ClockThứ Năm, 16/07/2015 15:50
TTH - Vừa gặp, chị Châu Hồng Tịnh – cán bộ dự án FFAV hồ hởi: Báo để anh chia vui cùng, thông qua HKPĐ và FFAV cup, 13 cầu thủ nhí của Huế đã được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (LĐBĐ VN) chọn để bổ sung vào đội dự tuyển U14 nữ quốc gia.

Để có tên trong đội dự tuyển quốc gia, những cầu thủ nói trên đã chứng tỏ được tài năng của mình qua cúp bóng đá cộng đồng (FFAV cup) và HKPĐ các cấp mới đây, dù rằng ngay từ đầu, các em không hề có khái niệm hay suy nghĩ là phải phấn đấu, thể hiện hết mình để được lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch.

Phụ huynh và các nữ cầu thủ làm thủ tục nhập học

Em Lê Thị Kim Lãnh (Trường THCS Thủy Phù – Hương Thủy) vui vẻ cho biết: “Lúc tham gia những sân chơi nói trên, em chỉ nghĩ đơn giản là được thỏa mãn niềm đam mê bóng đá cũng như được hòa mình vào sân chơi lành mạnh, không cạnh tranh trong dịp hè cùng bạn bè khắp nơi chứ không hề nghĩ sẽ có cơ hội khoác lên mình màu áo tuyển quốc gia”.

Trong số 13 nữ cầu thủ được tuyển chọn, không phải ai cũng có gia cảnh tương đối. Khi được chọn vào đội dự tuyển quốc gia, ngoài việc có cơ hội theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp, em còn giảm được một phần gánh nặng cho bố mẹ, Phạm Thị Hồng Hiếu chia sẻ.

Còn với em Hồ Thị Thể (THCS Lê Lợi – A Lưới) lại khác. Khi nghe tin được chọn vào đội dự tuyển nữ quốc gia, Thể luôn trong tâm trạng nửa vui nửa buồn. Buồn vì cũng trong thời điểm được tuyển chọn, bố Thể ốm nặng và em không thể bỏ mặc để ra Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến sát thời điểm chốt danh sách (chiều 14/7), được sự động viên của mẹ nên em quyết định “Bắc tiến” cùng bạn bè.

Tôi chỉ động viên cháu thế này: “Bố mẹ dù có khổ cực hơn thì cũng không ai đành lòng làm mất niềm đam mê chính đáng của con mình. Chưa kể, không phải ai cũng có cơ hội để tỏa sáng và cống hiến trong màu áo tuyển quốc gia”, bà Hoàng Thị A Đổi, mẹ của em Hoàng Thị Thể tâm sự.

Có thể nói, việc tuyển chọn được 13 nữ cầu thủ nhí tại Thừa Thiên Huế chính là thành công của LĐBĐ Việt Nam và chương trình bóng đá cộng đồng Na Uy bởi ai cũng hiểu, thể thao nói chung và bóng đá nữ nói riêng luôn có những rào cản nhất định. Trong đó, chuyện học hành và tương lai vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến các bậc phụ huynh luôn ngại ngần khi để con em mình theo nghiệp “quần đùi áo số”.

“Sau buổi gặp gỡ và làm việc riêng vào sáng 13/7 với phụ huynh những nữ cầu thủ nói trên, 100% các gia đình đều ủng hộ cho con em mình ra Hà Nội tập trung tập luyện dài ngày tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam”, Phó TTK LĐBĐ VN Dương Nghiệp Khôi phấn khởi cho biết.

Mới nghe qua tưởng chừng việc thuyết phục đơn giản nhưng kỳ thật, để nhận được sự chấp thuận của phụ huynh, những người làm thể thao phải “trưng” ra bằng chứng bảo đảm về chuyện học hành, cơ hội phát triển trong tương lai của con em họ.

Thú thật ban đầu tôi rất ngại. Cháu nó còn nhỏ nay phải xa gia đình không biết mọi vấn đề ăn ở, sinh hoạt, học hành, ai sẽ bảo ban, kèm cặp cháu? Sau khi tìm hiểu, những quy trình đào tạo, các kế hoạch về chuyên môn, công tác đảm bảo việc học văn hoá, ăn ở, tập luyện và đặc biệt là hàng tháng nhận báo cáo trực tiếp từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đã thuyết phục được gia đình - ông Phạm Xuân Hiếu (cậu ruột của em Trần Thị Đan Như) chia sẻ.

Với độ tuổi sinh từ 2000-2002, vẫn còn xa để khẳng định thành công của các em trong chặng đường thi đấu chuyên nghiệp và cơ hội cống hiến trong màu áo tuyển quốc gia. Tuy nhiên, dù chỉ là bước khởi đầu nhưng đây chính là động lực để bản thân những cầu thủ nói trên cũng như các lứa kế cận từ “lò” FFAV và HKPĐ có mục tiêu phấn đấu trong tương lai.

Trưa 15/7, Sở VH, TT&DL, LĐBĐ Việt Nam, FFAV tổ chức buổi gặp mặt và tiễn 13 nữ cầu thủ lên đường ra Hà Nội tiếp tục sự nghiệp bóng đá.
 
Tại buổi lễ, ông Phan Tiến Dũng – GĐ Sở VH, TT&DL chúc mừng, động viên những nữ cầu thủ được chọn. "Với vinh dự và cơ hội được cống hiến trong màu áo tuyển quốc gia, tin tưởng các em sẽ không phụ kỳ vọng, ông Dũng nói".
 
Theo kế hoạch, 13 nữ cầu thủ mới được tuyển chọn bắt đầu tập trung tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam vào chiều 15/7 với chương trình đào tạo dành cho đội dự tuyển U13-U15 nữ kéo dài trong vòng 5 năm.
 
Danh sách 13 nữ cầu thủ nhí:
 
Phan Thị Thủy (Sn 2000 – THPT Đặng Huy Trứ); Trần Thị Đan Như (Sn 2000 – THPT Hà Thế Hạnh); Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Sn 2001 – THCS Nguyễn Khánh Toàn); Nguyễn Thị Ngọc Hảo (Sn 2001 –THPT Hà Thế Hạnh); Lê Thị Hoài Nhi (Sn 2001 - THCS Nguyễn Khánh Toàn); Lê Thị Kim Lãnh (Sn 2001 - THCS Thủy Phù); Trần Thị Mỹ Thương (Sn 2001 – Dân tộc nội trú A Lưới); Hoàng Thị Mỹ Hằng (Sn 2002 – Phú Lộc); Trần Thị Thanh Nhã (Sn 2001 - THCS Nguyễn Khoa Đăng); Phạm Thị Hồng Hiếu (Sn 2001 - THCS Nguyễn Khoa Đăng); Trần Thị Thu Xuân (Sn 2002 - THCS Hồ Văn Tứ); Phan Thị Thu Thìn (Sn 2001 - THCS Nguyễn Đăng Thịnh); Hồ Thị Thể (Sn 2001 – THCS Lê Lợi – A Lưới).

 

Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhọc nhằn “tuyển quân”

Sắp đến hè, ban huấn luyện các môn thể thao ráo riết đi tuyển quân, bổ sung lực lượng VĐV năng khiếu thay thế cho lứa VĐV khó có khả năng phát triển thành tích. Tưởng dễ, nhưng hóa ra tuyển được VĐV đủ kiện để gắn bó lâu dài, gặt hái được thành tích cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Nhọc nhằn “tuyển quân”
Karatedo tìm lại hào quang

Một lần nữa, Karatedo Thừa Thiên Huế lại lên ngôi khi có sự trở lại dẫn đầu ngoạn mục ở Giải Vô địch Karatedo miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024. Cũng vào cuối tháng 4 này, 2 VĐV Lê Văn Tình và Lê Minh Thuận góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia thi đấu ở Giải Vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan.

Karatedo tìm lại hào quang
Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Return to top