Thể thao

Gập ghềnh bóng rổ

ClockChủ Nhật, 26/07/2020 06:12
TTH - Sau thời gian dài vắng bóng, sự xuất hiện trở lại của bóng rổ nhanh chóng được đông đảo người Huế đón nhận. Dẫu vậy, để nâng tầm cả về chất lẫn lượng như mong muốn thì còn nhiều việc phải làm.

Bế mạc giải Bóng rổ thanh thiếu nhi tỉnh mở rộngBóng rổ hút giới trẻ

Một pha tranh chấp của NYX Basketball (áo vàng) với 3B trong trận chung kết giải bóng rổ các CLB tỉnh 2020

Quá khứ & hiện tại

Theo trí nhớ của ông Nguyễn Bá Ninh – cựu HLV bóng rổ Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, khoảng những năm 30 thế kỷ trước, bóng rổ đã có mặt ở Huế và được cha xứ dạy trong các trường dòng, như là môn thể chất cho học sinh của trường. Dần dà, bộ môn này lan tỏa ngoài phạm vi trường dòng khi thường xuyên có các giải bóng rổ học sinh – sinh viên được tổ chức.

Dù có chiều cao khiêm tốn, nhưng ông Nguyễn Bá Ninh khá nổi tiếng trong giới học sinh – sinh viên thời đó ở vị trí tiền phong phải nhờ vào khả năng xoay trở trong cự ly hẹp, ném bóng chính xác và sức bật tốt. Chính vì vậy, tuy chỉ chơi theo dạng “phủi”, không có chuyên gia kèm cặp nhưng vào năm 1975, cậu học sinh lớp 10 Nguyễn Bá Ninh vẫn được chọn tham gia thi đấu tại Hội thi Thể dục thể thao (tương đương Hội khỏe Phù Đổng bây giờ).

“Thời đó bóng rổ Huế tuy không mạnh nhưng khá nhiều người chơi và cổ vũ. Tất nhiên không so được với bóng đá nhưng cứ mỗi khi có giải, sân bóng rổ lúc nào cũng có khoảng 200-  300 khán giả. Đáng tiếc, sau năm 1975, phong trào bóng rổ ở Huế chìm dần. Có lẽ do thời điểm ấy đất nước mới thống nhất, mọi người tập trung phát triển kinh tế, xây dựng lại đất nước nên không có thời gian và điều kiện để tiếp tục đam mê của mình”, ông Ninh nhớ lại.

Khoảnh khắc ăn mừng của NYX Basketball

Sau thời gian dài gần như “mất tích”, đến năm 2000, bóng rổ xuất hiện trở lại tại Huế và nhanh chóng được đón nhận. Từ năm 2000 – 2005, Huế chỉ có 1 sân bóng rổ ở số 1 Lê Lợi, thu hút hơn 600 người tham gia tập luyện - một con số khá ấn tượng, đồng thời cũng là động lực để một số CLB, sân bóng rổ ở Huế nối tiếp nhau hình thành, cũng như lan tỏa trong một số trường học. Và từ những sân chơi phong trào này, bóng rổ Huế đã xuất hiện 2 cái tên được giới bóng rổ Việt Nam ít nhiều biết đến là Hoàng Trọng Anh Bảo và Phạm Tấn Hoàng Nguyên.

Làm quen với bóng rổ từ khi là học sinh, đem theo niềm đam mê khi vào TP. Hồ Chí Minh học ĐH Kinh tế, chỉ sau thời gian ngắn, Phạm Tấn Hoàng Nguyên đã lọt vào “mắt xanh” của SaiGon Heat - CLB bóng rổ chuyên nghiệp có tiếng của Việt Nam và trở thành thành viên của CLB này tham gia thi đấu tại giải nhà nghề Đông Nam Á 2014 cùng tấm HCĐ. Sau khi chuyển về Huế làm việc, bằng tài năng của mình, Hoàng Nguyên liên tục được các CLB bóng rổ Đà Nẵng mời “đánh thuê”. Và đến hiện tại, Nguyên đang là Chủ nhiệm NYX Basketball – CLB vô địch giải bóng rổ các CLB tỉnh 2020 diễn ra từ 13-18/7 vừa rồi.

Trong khi đó, Hoàng Trọng Anh Bảo lại được giới bóng rổ Việt Nam biết đến với tư cách trọng tài bóng rổ quốc gia. “Em trước đây chơi bóng rổ chủ yếu để rèn luyện sức khỏe. Chơi một thời gian, “bất ngờ” được chọn vào đội tuyển thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2004 tổ chức ở Huế. Tiếp đó, khi đang là sinh viên của Trường ĐH TDTT Từ Sơn, em là trọng tài dự bị quốc gia trước khi trở thành trọng tài quốc gia môn bóng rổ như bây giờ”, Bảo cho biết.

Hướng đi trong tương lai

Nhìn nhận về bóng rổ Huế, Hoàng Nguyên và Anh Bảo đều cho rằng, các CLB bóng rổ, như: 3B, 3B TTN, NYX, NYX Junior, Winteam QH, Mixteam Gia Hội & Y Dược… tuy hoạt động quy củ, có HLV, tham gia nhiều giải đấu, nhưng thực chất, những CLB này vẫn đang dừng ở mức phong trào.

“Ngoài kinh phí hạn chế khi các CLB hoạt động dựa trên sự đóng góp của thành viên nên không đủ lực để nâng tầm CLB thì có lẽ nguyên nhân chủ yếu do chưa nằm trong “quy hoạch” của ngành thể thao. Đây là điều đáng tiếc, bởi với sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, châu lục, khu vực và toàn quốc, nếu “chịu” đầu tư để nâng tầm, bóng rổ chính là một trong những môn thể thao góp phần giúp Huế tăng cường hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực”, cả 2 cùng quan điểm.

Khoảng 10 năm nay, một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… đều đã có đội bóng rổ chuyên nghiệp. Bên cạnh đầu tư, cách làm bài bản, các CLB này còn thu hút các chuyên gia giỏi cùng VĐV Việt kiều, nước ngoài chất lượng góp mặt trong đội hình. Cách làm này giúp phong trào bóng rổ có điều kiện tiếp cận với môi trường chuyên nghiệp, qua đó từng bước lan tỏa phong trào, đồng thời trở thành nơi phát hiện, cung cấp VĐV cho các đội tuyển.

Hay cũng khoảng 10 năm trước, bóng rổ Đà Nẵng giống như Huế hiện tại, nghĩa là phát triển tự phát, các thành viên trong CLB tự góp tiền chơi với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, bên cạnh đã có đội bóng rổ chuyên nghiệp thì bắt đầu từ năm nay, bóng rổ Đà Nẵng đã được Sở Văn hóa & Thể thao đầu tư một khoản kinh phí cùng một số cơ chế nhất định theo hướng dài hơi.

Trở lại với câu chuyện bóng rổ Huế, bên cạnh thông tin “bên lề” sẽ có một mạnh thường quân đầu tư, thành lập một đội bóng rổ chuyên nghiệp vào năm 2021, những người làm thể thao Huế nên tổ chức nhiều hơn những giải đấu thường niên trong các trường học, CLB cùng sự hỗ trợ nhất định về kinh phí, cơ chế… Đây chính là điều kiện để bóng rổ Huế xuất lộ thêm nhiều tài năng – tiền đề thành lập đội tuyển tham dự các giải đấu chuyên nghiệp và là động lực thúc đẩy phong trào ngày càng lan tỏa, quy mô hơn.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng rổ Huế cần sự tiếp sức

Bóng rổ Thừa Thiên Huế đang cần sự tiếp sức từ những giải đấu mang tầm quốc gia để có sự phát triển xứng tầm.

Bóng rổ Huế cần sự tiếp sức
Bóng rổ & người dân Huế

Bóng rổ xuất hiện ở Huế đã gần một thế kỷ. Thế nhưng, mang bóng rổ đến gần hơn với người dân Huế vẫn là một băn khoăn lớn.

Bóng rổ  người dân Huế
Phát triển thủy sản còn gập ghềnh - kỳ 1: Thiếu cả lượng lẫn chất

Giá trị sản xuất thủy sản tính riêng năm 2022 ước đạt 2.345 tỷ đồng, chiếm 32,2% so với toàn ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy, phát triển thủy sản có vai trò quan trọng, được xác định phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng. Tuy nhiên, tiến trình phát triển lĩnh vực quan trọng này còn lắm gập ghềnh.

Phát triển thủy sản còn gập ghềnh - kỳ 1 Thiếu cả lượng lẫn chất
Return to top