Thể thao trong nước

A Lưới chú trọng phát triển thể thao

ClockThứ Tư, 07/06/2017 13:41
TTH - Năm năm trở lại đây, huyện A Lưới có bước phát triển mạnh mẽ về phong trào thể dục thể thao (TDTT). Đáng mừng, đồng bào các dân tộc thiểu số xem thể thao là hoạt động thường nhật.

Chuyển biến tích cực

Chiều cuối tuần tại A Lưới, các sân chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông luôn sôi động. Đồng bào nơi đây tham gia rất đông và thể hiện lối chơi có kỹ thuật, chứng tỏ sự tập luyện trước đó rất kỹ. Anh Rapat Rương, cán bộ văn hóa - thông tin xã A Đớt, chia sẻ: “Chiều nào chúng tôi cũng chơi thể thao, nhất là bóng chuyền, thu hút cả nam lẫn nữ. Nhờ siêng năng tập luyện nên 2 năm gần đây, A Đớt luôn đạt giải nhất môn bóng chuyền ở giải thể thao của huyện”.

Người dân A Lưới thi đấu môn đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh - 2017

Theo thống kê từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, hiện toàn huyện có hơn 11.000 người tập luyện TDTT thường xuyên (chiếm 22% dân số toàn huyện). Công tác giáo dục thể chất trong trường học được tăng cường, trong đó 100% số trường được đảm bảo chương trình ngoại khóa và có trên 90% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao thường xuyên. Sự “nhập cuộc” tốt của người dân trong phong trào TDTT là cơ sở để hệ thống cơ sở vật chất thể thao (của Nhà nước và tư nhân) ra đời. Đến nay, toàn huyện có 4 nhà thi đấu cầu lông, 35 sân bóng đá (trong đó có 2 sân cỏ nhân tạo), 100 sân bóng chuyền đơn giản và 4 điểm tập bóng bàn đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT, vui chơi giải trí của Nhân dân.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết, các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - thể thao, hội khỏe Phù Đổng trong các trường học là cơ hội để các đơn vị tập luyện, thi đấu thể thao. Hằng năm, tuyến cơ sở cũng tổ chức các hoạt động thể thao toàn thôn, toàn xã gắn với các ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước. A Lưới cũng có nhiều lãnh đạo tích cực tham gia tập luyện TDTT cùng người dân. “Giai đoạn chuẩn bị cho Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân 2017, sáng nào cán bộ cũng tập chạy. Họ vừa chạy vừa động viên chúng tôi cố gắng”, ông Hồ Nhật Tân, trú xã A Ngo nói.

Bà Thêm cho biết, để phát triển các môn thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới, huyện triển khai tốt đề án “Phát triển thể dục thể thao quần chúng huyện A Lưới, giai đoạn 2014 - 2020”. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, nâng cao việc làm gương của cán bộ, đảng viên trong việc tập luyện TDTT.

Góp lực lượng cho thể thao tỉnh

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao) đánh giá, công tác đào tạo chiếm một phần rất quan trọng trong việc phát triển thành tích của VĐV, song cơ bản VĐV phải có đam mê và năng khiếu. Muốn phát hiện được nhân tố thì tuyến cơ sở phải có phong trào tốt. “Hiện nay phong trào tập luyện thể thao tại A Lưới cải thiện tích cực, các thiết chế cơ sở vật chất thể thao đã và đang được đầu tư. Liên đoàn Bóng đá Na uy cũng giúp phát triển bóng đá trường học và từng có cầu thủ được tuyển chọn vào đội tuyển trẻ của quốc gia. Với xu thế hiện nay, tương lai A Lưới có thể đóng góp lực lượng cho thể thao tỉnh”, ông Tư nói.

Hiện, một số bộ môn của tỉnh thường xuyên có các đợt tuyển quân tại A Lưới, nhất là Karatedo. HLV Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Chúng tôi vừa thành công với trường hợp Hồ Thị Hạ là người con dân tộc Pa Cô, A Lưới. Em vừa giành huy chương vàng giải vô địch Karatedo trẻ Đông Nam Á 2017. Hiện, chúng tôi đang mở rộng các câu lạc bộ tại A Lưới để tiếp tục tìm kiếm vận động viên năng khiếu cho bộ môn. Tôi nghĩ, A Lưới sẽ còn nhiều gương mặt tiêu biểu đóng góp vào lực lượng chung cho thể thao tỉnh”.

Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, gần đây, lãnh đạo A Lưới rất quan tâm đến việc phát triển phong trào thể thao, không chỉ các môn thể thao truyền thống của đồng bào như bắn nỏ, đẩy gậy mà còn các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Với tố chất đặc trưng của đồng bào như sức mạnh, độ bền cao, khả năng chịu đựng thì các VĐV ở A Lưới có thể đóng góp lực lượng cho thể thao tỉnh nhà ở nhiều môn như võ, điền kinh nếu được phát hiện và đào tạo đúng hướng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

Không chỉ góp phần làm rạng danh và đưa thương hiệu thể thao vang xa, đội ngũ những VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia còn là nguồn lực để phát triển lâu dài và bền vững thể thao xứ Huế.

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Return to top