Thể thao trong nước

Ra sông lớn

ClockChủ Nhật, 01/10/2017 17:47
TTH - Sau khi khẳng định vị trí số 1 Đông Nam Á ở đấu trường SEA Games 29, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cùng đồng đội bước vào cuộc tranh tài tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2017 (AIMAG 2017). Tuy quy mô không bằng nhưng thành tích ở sân chơi này được xem là tương đương với Á vận hội (ASIAD).

Lê Quang Liêm, niềm tự hào của cờ vua Việt Nam. Ảnh: Internet

Chiến thắng là điều có thể khẳng định, nhưng việc cô gái vàng Cần Thơ giành tấm HCV ở cự ly bơi 200m hỗn hợp và sau đó là tấm HCB cự ly 200m tự do, vượt kỷ lục SEA Games, vẫn khiến người hâm mộ sướng đến rơi nước mắt. Bơi lội Việt Nam không chỉ chiến thắng ở “ao làng” Đông Nam Á, giờ đây đã ra tới “sông lớn” châu Á. Đối thủ của Ánh Viên không còn là Singapore hay Thái Lan mà là Trung Quốc, một trong những siêu cường thể thao của thế giới.

Góp vui cùng với Ánh Viên, ở môn bơi lội còn có Trần Duy Khôi với tấm HCĐ cự ly 200m hỗn hợp nam. Nhìn qua điền kinh là chiến thắng của Lê Tú Chinh  (HCB nội dung 60m). Đáng nói hơn là thắng lợi của cơ thủ Nguyễn Quốc Nguyện ở môn bi - a (carom 3 băng). Nguyễn Quốc Nguyện đã thi đấu xuất sắc nhưng ít ai nghĩ đến chiến thắng ngọt ngào chỉ qua 21 đường cơ của cơ thủ sinh năm 1980 trước đối thủ sừng sỏ ở trận chung kết là Cho Jae Ho (Hàn Quốc). Tám năm trước tại Đại hội thể thao trong nhà 2009, Cho Jae Ho đã đánh bại Dương Anh Vũ để đoạt HCV nội dung carom 3 băng.

Tấm HCV của Lê Quang Liêm được xem là lịch sử. Đã từ lâu, tay cờ thành phố Hồ Chí Minh là niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, ở “sông lớn” châu lục, Liêm chỉ mới chạm được tấm HCB ở môn cờ nhanh tại ASIAD và đây là tấm HCV cấp châu lục đầu tiên của anh và cũng là của cờ vua Việt Nam. Càng vui hơn khi bại tướng của Lê Quang Liêm là những cái tên sừng sỏ đến từ các cường quốc cờ vua, như Lu Shanglei (Trung Quốc) hay Sasikian (Ấn Độ). Cái tên Lê Quang Liêm đang tiếp tục được hy vọng tiến xa trong sự nghiệp cờ vua của mình

Còn nữa là những tấm HCV đầy ấn tượng của 3 cô gái Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim và Liên Thị Tuyết Mai ở nội dung quyền đồng đội nữ (Taekwondo). Các lực sĩ  cử tạ Việt Nam cũng cho thấy sức mạnh đáng gờm mà các đối từ sừng sỏ như Trung Quốc, Triều Tiên hay Turmenistan ở châu Á cũng phải dè chừng. Bằng chứng là các tấm HCV ấn tượng tại AIMAG 2017 của Trần Văn Vinh (hạng 62 kg) hay Thạch Kim Tuấn (hạng 56 kg).

Sân chơi châu lục AIMAG 2017 cũng ghi nhận những tấm HCV ở những khuôn mặt mới toanh như Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam) hay ở các môn thể thao lạ, như kurash (Trần Thị Thanh Thủy) hay muray (Bùi Yến Ly). Trên hết, vị trí top 10 mà đoàn thể thao Việt Nam liên tục sở hữu cũng cho thấy diện mạo đổi thay của thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục. Ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách chưa thể san lấp với người Thái. Thế nhưng, chúng ta cũng đã xác lập một khoảng cách tương tự với các cường quốc Đông Nam Á còn lại như Indonesia, Singapore..., nhất là với Maylaysia, vừa kết thúc SEA Games 29 ở ngôi vị dẫn dẫn đầu tuyệt đối.

AIMAG chưa phải là ASIAD nhưng không có khoảng cách về trình độ giữa 2 giải thể thao được xem là cao nhất châu Á này. Những gì đã diễn ra ở đây với Nguyễn Thị Ánh Viên, Lê Quang Liêm và các đồng đội cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự chuyển mình ra "sông lớn". Đó có thể xem là niềm vui và điều rất đáng tự hào.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Return to top