Taekwondo Huế tính đến tương lai bằng dàn VĐV dưới 12 tuổi
Yên tâm cả ở 3 tuyến
Đến với Taekwondo từ năm 2014, chỉ sau 1 năm tập luyện, Thanh Ngân đã có được tấm HCĐ tại giải vô địch trẻ Đông Nam Á. Hai năm sau, Thanh Ngân đã tạo nên kỳ tích khi giành được HCĐ tại giải vô địch trẻ châu Á. Nói kỳ tích là bởi đây là tấm huy chương châu lục đầu tiên của tuyển Taekwondo tỉnh kể từ ngày thành lập vào năm 1998.
Không chỉ Thanh Ngân, Linh Tâm cũng là một gương mặt đáng chú ý của Taekwondo Huế khi chỉ sau 5 tháng vào năng khiếu, cô gái người Phú Vang đã có tên trong danh sách tuyển trẻ quốc gia. Sau 2 năm tập trung, trong năm 2015, Linh Tâm đã giành được HCV giải trẻ Đông Nam Á và sau đó là HCV giải trẻ toàn quốc.
“Thừa thắng xông lên”, liên tục từ năm 2016 đến nay, Linh Tâm gặt hái nhiều thành tích cao ở các giải đấu trong nước và quốc tế, trở thành võ sĩ có tiếng ở hạng 55kg, sau khi đem về tấm HCV giải trẻ Đông Nam Á năm 2017 và HCV giải Taekwondo Malaysia Open G1 Ranking năm 2018 – giải đấu quy tụ đến 800 VĐV đến từ 19 nước trên thế giới.
Sau 2 gương mặt “vàng” nói trên, hiện Taekwondo Huế vừa cho “ra lò” một VĐV không hề kém cạnh. Nếu như Thanh Ngân và Linh Tâm, hoặc được đặc cách tuyển thẳng, hoặc nhanh chóng được gọi vào tuyển trẻ quốc gia chỉ sau vài tháng tập luyện thì đường đến tuyển trẻ quốc gia của Trần Thị Phương Thi có phần khác hơn.
Cả nước có 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Từ 2018 trở về trước, ở môn Taekwondo, một trung tâm được tuyển tầm 30 VĐV/năm, hay có thể hiểu, mỗi năm, khoảng 30 VĐV bộ môn này có cơ hội khoác áo tuyển trẻ quốc gia ở mỗi trung tâm. Tuy nhiên, từ 2019, mỗi trung tâm chỉ được tuyển 10 VĐV khiến “đầu vào” cực kỳ khó khăn.
“Tháng 9 tới Phương Thi chính thức tập trung ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I (Hà Nội). Vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt gấp 3 trước đây đã phần nào nói lên tiềm năng, triển vọng của nữ võ sĩ mới 14 tuổi này”, Trưởng bộ môn Taekwondo tỉnh Phạm Ngọc Thành tự hào khi nhận xét về học trò.
Với 3 gương mặt triển vọng phân đều ở 3 lứa: vô địch, cuối lứa trẻ và trẻ, có thể nói, sau thời gian ngắn, Taekwondo Huế sẽ có cơ hội thay đổi thứ tự trên bản đồ thành tích. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào 3 cái tên nói trên chắc chắn không phải là tín hiệu tốt với môn trọng điểm như Taekwondo khi mà trong năm nay, bộ môn này còn thừa đến 8 trong tổng số 25 chỉ tiêu, hay nói cách khác là đang thiếu hụt lực lượng, nhất là lực lượng kế thừa.
Trần Thị Phương Thi (giáp đỏ) được xem là VĐV nổi bật của Taekwondo Huế sau 2 đàn chị Thanh Ngân và Linh Tâm
Chuẩn bị cho tương lai
“Không phải tìm không được VĐV mà do bộ môn đào tạo theo hướng chú trọng chất lượng. Thà ít mà hiệu quả, quan điểm trong đào tạo của tôi là vậy”, Trưởng bộ môn Phạm Ngọc Thành chia sẻ khi đề cập đến lý do thừa chỉ tiêu.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nhìn nhận, dù đang có 3 VĐV tài năng ở cả 3 tuyến nhưng đây vẫn là con số ít ỏi nếu tính chuyện đường dài. Để khắc phục, sau quá trình đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, khoảng 2 năm trở lại, bộ môn đã thay đổi phương pháp tuyển chọn, đào tạo bằng cách “giao” cho 5 trong tổng số 18 CLB Taekwondo trên địa bàn toàn tỉnh huấn luyện sau khi “nhắm” được VĐV qua những chuyến tuyển chọn ở cơ sở. Do HLV các CLB này là VĐV đạt cấp kiện tướng nên mọi giáo án, phương pháp huấn luyện cho đàn em đều đạt chuẩn. Sau đó, căn cứ vào năng lực, thành tích ở các giải cấp tỉnh, bộ môn sẽ rút các VĐV lên tập luyện tập trung ở đội tuyển để tiếp tục đào tạo. Phương pháp này sẽ giúp chọn được nhiều VĐV tài năng hơn.
Sau khi một loạt VĐV chia tay đội tuyển với nhiều lý do, không tính Thanh Ngân, Linh Tâm và Phương Thi cùng lực lượng sẵn có, hiện Taekwondo Huế đã và đang làm lại bằng vào lứa dưới 12 tuổi với 15 VĐV từ phương pháp huấn luyện trên cùng mục tiêu nhắm vào các hạng cân thi đấu Olympic. Theo ông Thành, do Taekwondo Huế thành lập muộn nên yếu thế hơn ở một số hạng cân và lực lượng nam VĐV so với nhiều tỉnh, thành bạn khiến có thời gian, phải “né” bằng cách chú trọng vào lực lượng nữ cũng như ở một số hạng cân ít đơn vị nào làm.
“Điều này giúp Taekwondo Huế giành được thành tích ở nhiều đấu trường. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nếu một khi những hạng cân này không nằm trong nội dung thi đấu thì rất thiệt thòi cho VĐV, bộ môn. Còn với cách làm trên, tại SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX, hứa hẹn sẽ là thời điểm Taekwondo Huế tỏa sáng”, Trưởng Bộ môn Taekwondo tỉnh Phạm Ngọc Thành nói.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG