Thể thao trong nước

Tìm lại “vàng” cho karatedo Huế

ClockThứ Ba, 13/02/2018 16:50
TTH - Cũng đã 14 năm rồi, từ khi võ sĩ Hà Kiều Trang đoạt “vàng” tại SEA Games 2003, tấm huy chương vàng của Lê Minh Thuận giải tỏa cơn khát cho vùng đất được mệnh danh là cái nôi của Karatedo.

Nhân tố tiềm năng của tuyển karatedo HuếHuế giành được 8 huy chương tại giải karatedo vô địch quốc gia – 2017Huế giành 4 HCV tại giải vô địch trẻ Karatedo toàn quốc

 

Lê Minh Thuận (phải) trong một trận đấu tại giải Vô địch trẻ Karatedo toàn quốc năm 2017

Lê Minh Thuận bước ra sàn đấu trận chung kết nội dung Kumite đồng đội nam SEA Games 29 với áp lực thật nặng nề. Trước đó, đồng đội là Chu Đức Thịnh bị truất quyền thi đấu buộc Thuận phải chiến thắng. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra. Chỉ mất đúng 30 giây, Thuận đã lấy 3 điểm từ kỹ thuật đánh ngã đối thủ. Tiếp đó là những đòn tấn công quyết đoán và hiệu quả để “tiễn” võ sĩ Thái Lan về nước bằng tỷ số khủng 10 – 0.

Đường tới vinh quang

Không tin được những điều gì đang xảy ra, Lê Minh Thuận quỳ thụp xuống sàn đấu và hét lên sung sướng. Nhiệm vụ anh vừa hoàn thành mang lại cái kết viên mãn cho cả Karatedo Việt Nam (vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra là 4 HCV) và đặc biệt là Karatedo Huế. Phải mất 14 năm khát khao, Karatedo Huế tìm lại được “vàng” ở đấu trường SEA Games, một sự chờ đợi trong mỏi mòn khiến  không ít người hâm mộ nghi ngờ về sức mạnh của lò đào tạo Karatedo Huế.

Lê Minh Thuận (trái) tấn công đối phương bằng đòn chân trong một trận đấu tại giải vô địch trẻ karatedo toàn quốc năm 2017

Hơn một thập kỷ “mất tích” tại đấu trường lớn nhất của khu vực nên khi Lê Minh Thuận xuất hiện ở đội tuyển (2009), cũng chẳng mấy ai nghĩ cậu bé người Lộc Điền (Phú Lộc) có thể làm được chuyện lớn cho Karatedo Việt Nam. Thuận lựa chọn theo đuổi thể thao không phải vì đam mê, năng khiếu hay được huấn luyện viên đến tận nơi tuyển chọn mà với một lý do khá bất ngờ, để giải quyết khó khăn gia đình. Thuận chia sẻ: “Mẹ mất lúc em 10 tuổi, một mình ba phải nuôi 7 đứa con. Học xong lớp 9, vì gia đình quá khó khăn nên em quyết định đến với nghiệp thể thao để cha bớt đi một “miệng ăn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung chúc mừng Lê Minh Thuận (thứ hai, trái sang) cùng Yến Hoa sau khi trở về từ SEA Games 29

Chỉ là giải pháp tình thế, song máu thể thao lại ngấm dần, thôi thúc Thuận tập luyện. Tận dụng “vốn liếng” là chiều cao, Lê Minh Thuận chọn các đòn tay đánh thẳng hoặc đòn đá làm sở trường. Còn tập luyện, ngoài các buổi trên lớp, Thuận dành thêm thời gian, kể cả ngày nghỉ để tập riêng, đầu tư thời gian cho các bài tập khó, nặng, đòi hỏi kỹ thuật cao. Có lúc phòng tập chỉ một mình Thuận, không có HLV kèm cặp, nhưng chẳng bao giờ nam võ sĩ để cơ thể ráo mồ hôi. Chỉ sau 9 tháng tập luyện, Thuận được HLV Lê Văn Lộc điền tên vào danh sách thi đấu giải vô địch trẻ toàn quốc tại Cần Thơ và ngay lập tức, võ sĩ này “hồi đáp” bằng tấm HCĐ.

Tám năm theo đuổi karatedo, Lê Minh Thuận luôn thể hiện được phong thái thi đấu tự tin, công thủ đều tốt, nhất là tận dụng sải tay dài để tung ra những đòn đánh thẳng. Mỗi trận đấu, Thuận nhập cuộc thận trọng, thăm dò và phát hiện nhanh sơ hở đối phương để phản công. Chiến thuật đó giúp Thuận không ít lần “ăn trắng”. Liên tục 8 mùa giải đến với Karatedo Huế, Minh Thuận đoạt tới 30 huy chương các loại, đáng chú ý là hai tấm HCB giải vô địch Karatedo Đông Nam Á (năm 2015 và 2017), trở thành VĐV có tên tuổi ở hai hạng cân trên 84kg giải khu vực và trên 86kg giải trong nước.

Nói về Lê Minh Thuận, HLV Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn karatedo tỉnh khẳng định chắc nịch bằng hai từ “tuyệt vời”. Từ khi xuất hiện, Minh Thuận tạo được nét riêng bằng khả năng “điều khiển” tâm lý cực tốt ở các giải đấu và tự nghiên cứu lối đánh đối phương. Với lối chơi này, Lê Minh Thuận đã vượt qua hàng loạt đối thủ, hoàn thành hai phép thử là giải vô địch và vô địch trẻ karatedo toàn quốc năm 2017 với 2 tấm HCV để “chen chân” vào đội tuyển Việt Nam góp mặt tại SEA Games.

Vươn xa & hy vọng

HLV Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn karatedo tỉnh cho biết, lịch sử Karatedo Huế đánh dấu gương mặt đầu tiên tham dự SEA Games là Nguyễn Thị Thảo Quyên (SEA Games 1993), sau đó là Lê Văn Lộc, Hà Kiều Trang, Bùi Tiến Thành. So với những VĐV còn lại, điểm khác biệt của Lê Minh Thuận là chiều cao hiếm có và rất biết cách tận dụng lợi thế này. Thuận còn có một ý chí sắt đá, lòng đam mê khó tả và khát khao cống hiến tuyệt vời)

Trở lại SEA Games 29, suốt gần 3 phút kể từ khi bắt đầu lượt đấu đến khi hạ gục đối thủ, chẳng ai có thể ngờ võ sĩ Lê Minh Thuận lần đầu xuất hiện tại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực. Cách Lê Minh Thuận nhập cuộc chẳng kém gì người đồng đội Minh Phụng đã trải qua 4 kỳ SEA Games, khi thiên biến vạn hóa lối với đánh tấn công kết hợp phòng thủ phản công khiến đối thủ bất ngờ. Sự tinh quái ở đôi mắt đã giúp nam VĐV không bỏ sót bất cứ sơ hở nào của đối thủ.

Nhìn Lê Minh Thuận thi đấu tại SEA Games 29, người hâm mộ và cả giới chuyên môn tin tưởng: người hùng Karatedo Huế sẽ giúp bộ môn này trở lại thời kỳ đỉnh cao. Điều đó hoàn toàn có thể thành hiện thực khi Minh Thuận đang dần hoàn thiện cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm thi đấu.

Trước SEA Games 29, HLV Lê Văn Lộc không giấu được nỗi lo khi kinh nghiệm trận mạc là thứ mà Minh Thuận còn thiếu. Ông Lộc không vui: “Túi tiền eo hẹp nên ở đội tuyển, ban huấn luyện đành chấp nhận cho Thuận tập chay với đồng đội. Kinh nghiệm có được chỉ là những lần cọ xát với các võ sĩ của đơn vị mạnh, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân Đội… hay các VĐV quốc tế trong các giải đấu”.

Lê Minh Thuận chỉ mới tuổi 22, độ tuổi sung sức nhất của thể thao. Chiều cao vượt trội (1,9m) là lợi thế lớn nhất mà Thuận có thể tận dụng để phát huy những cú đánh tầm xa cùng những kỹ thuật cần đến sải tay, sải chân dài. Nếu tận dụng tốt yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đang có, chắc chắn thành công của nam võ sĩ sẽ còn vươn xa, nhất là cơ hội góp mặt tại SEA Games và các giải đấu tầm cỡ quốc tế.

Lê Minh Thuận khẳng định: Tấm HCV SEA Games chỉ là một thử thách ở đấu trường khu vực, phía trước vẫn là những mục tiêu lớn hơn cần phải chinh phục, góp phần giúp karatedo Huế vẽ lại bản đồ karatedo Việt Nam. Trước mắt, nam võ sĩ đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị cho các giải đấu sau Tết và nhất là tích lũy thêm kinh nghiệm để tiếp tục đem “vàng” Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018 về cho Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhọc nhằn “tuyển quân”

Sắp đến hè, ban huấn luyện các môn thể thao ráo riết đi tuyển quân, bổ sung lực lượng VĐV năng khiếu thay thế cho lứa VĐV khó có khả năng phát triển thành tích. Tưởng dễ, nhưng hóa ra tuyển được VĐV đủ kiện để gắn bó lâu dài, gặt hái được thành tích cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Nhọc nhằn “tuyển quân”
Karatedo tìm lại hào quang

Một lần nữa, Karatedo Thừa Thiên Huế lại lên ngôi khi có sự trở lại dẫn đầu ngoạn mục ở Giải Vô địch Karatedo miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024. Cũng vào cuối tháng 4 này, 2 VĐV Lê Văn Tình và Lê Minh Thuận góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia thi đấu ở Giải Vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan.

Karatedo tìm lại hào quang
Hứa hẹn với những môn thể thao mới

Sau khi sắp xếp các bộ môn thể thao, Thừa Thiên Huế đầu tư thêm các môn thể thao mới. Tuy “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng những môn thể thao này hứa hẹn sẽ đem lại cơ hội mới cho thể thao thành tích cao của tỉnh nhà.

Hứa hẹn với những môn thể thao mới
Võ sư, môn sinh Karatedo bái Tổ đầu năm

Như một nét đẹp văn hoá đầu năm, cứ đến mùng 2 Tết Nguyên đán, nhiều cao đồ, môn đồ hệ phái Suzucho Karate-Do lại tìm đến Tổ đường để bái Tổ đầu năm.

Võ sư, môn sinh Karatedo bái Tổ đầu năm
Khởi đầu vui từ Karatedo

Tấm huy chương vàng đầu tiên của đoàn thể thao Thừa Thiên Huế đã thuộc về đội tuyển Karatedo. Đây cũng là đội tuyển thi đấu thành công khi sớm hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ IX - 2022.

Khởi đầu vui từ Karatedo
Return to top