CLB Hà Nội đoạt siêu cúp Quốc gia 2020 trên sân bóng chỉ có 80 khán giả. Ảnh: vnexpress.net
Việc sân vận động Thống Nhất phải đóng cửa với khán giả do dịch cúm virus Corona (COVID -19) không làm ảnh hưởng tới nhiệt huyết cống hiến của cả đôi bên. Ngay phút thứ 19, Công Phượng đã giúp CLB thành phố Hồ Chí Minh vươn lên dẫn trước. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sức mạnh đồng đều của đội hình đã giúp CLB Hà Nội lội ngược dòng và giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 2 – 1, lần thứ ba liên tiếp đoạt siêu cấp Quốc gia.
Không chỉ có trận siêu cúp Quốc gia mà tuần này, các trận cầu khởi tranh V. League 2020 từ ngày 6 đến 8/3 cũng sẽ diễn ra trên các sân vận động không có khán giả. Vòng đấu đầu tiên dự định diễn ra vào ngày 21/2 đã phải thay đổi và hoãn lại vì những lo ngại liên quan đến dịch COVID - 19. Và, nếu như diễn biến dịch COVID-19 không có dấu hiệu tốt hơn, nhiều khả năng VPF tiếp tục không mở cửa cho khán giả vào sân ở những vòng đấu tiếp theo của V. League, hạng Nhất cũng như cúp Quốc gia.
Đã có không ít ý kiến phàn nàn, trong đó có lãnh đạo các đội bóng, không hài lòng với việc phải chơi bóng trên sân trống vắng. Họ cho rằng, đá như vậy không khác nào đá tập cả, cầu thủ không có cảm xúc, thiếu động lực thi đấu và chất lượng chuyên môn cũng suy giảm. Bóng đá mà không có khán giả hẳn nhiên mất đi phần lớn ý nghĩa của nó đối với xã hội. Thế nhưng, đây là việc bất đắc dĩ vì các giải không thể cứ thế chờ “hết dịch”.
V. League 2020 đã hoãn hơn 1 tháng, nếu tiếp tục lùi lịch thì có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất, giải có thể kết thúc muộn, ảnh hưởng tới sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam cho Giải vô địch Đông Nam Á 2020 (AFF Cup 2020). Thứ hai, nếu giải vẫn kết thúc đúng như dự kiến thì lịch thi đấu bị dồn, gây khó khăn cho những câu lạc bộ tham dự đấu trường châu Á và Đông Nam Á. Việc khai mạc giải giữa lúc dịch bệnh vẫn đang tồn tại, do thế là điều gần như bất khả kháng.
Không chỉ có ở Việt Nam, sân bóng không có khán giả đã không còn lạ lẫm trên thế giới khi dịch COVID -19 đang lan rộng ra toàn thế giới. Ở châu Âu, Italia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều trận đấu trên mảnh đất hình chiếc ủng đã bị hoãn lại cuối tuần qua. Các CLB Italia như Inter cũng đã phải thi đấu ở cúp châu Âu trên SVĐ không có khán giả. Một cầu thủ đang khoác áo đội bóng CL Pianese ơ Serie C đã nhiễm virus Corona. Cầu thủ này đang được cách ly và nhờ tới sự chăm sóc của các bác sĩ.
Hiện có rất nhiều giải đấu của châu Á đã phải hoãn vì diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã họp khẩn với một số Liên đoàn bóng đá quốc gia nằm trong vùng dịch. AFC cùng FIFA và một số Liên đoàn thành viên sẽ đánh giá những tác động có thể ảnh hưởng đến các trận đấu của vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023 diễn ra trong tháng 3. Hiện tại, AFC đã chính thức hoãn một số trận đấu ở vòng 3 Champions League ở khu vực Đông Á và Tây Á vào đầu tháng 3 tới.
Bóng đá phải có khán giả nhưng sức khỏe cộng đồng mới là điều quan trọng nhất, đó là chính là lý do quyết định đá bóng trên sân không có người xem đang nhận được sự đồng tình của các đội bóng và người hâm mộ trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 hoành hành.
ĐÌNH NAM