ClockThứ Năm, 21/03/2013 14:13

Đã có dệt may lo

TTH - Khu phố Trường Bia tôi ở có một cô bé. Em tên là Thúy, quê tận Phú Vang. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Thúy trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Ra trường, loanh quanh chạy việc đến toát cả mồ hôi mà cũng chẳng xong, em chờ đợi thời cơ bằng cách học tiếp đại học. Thoáng chốc thoi đưa, cũng xong nốt, lại tiếp tục lo việc. Lần này vẫn như trước “xôi hỏng bỏng không”. Tuổi cũng đã lớn, Thúy lấy chồng và hai năm trước em quyết định từ bỏ giấc mơ cô giáo để trở thành cô thợ dệt may. Em toại nguyện ngay, chỉ chưa đầy một tháng. Mới đây gặp tôi, Thúy không còn buồn bã như hôm nào: “Cũng được chú ạ. May mà nhờ có ngành dệt may không thì gia đình em chết đói mất”.

Một con số thống kê khiến nhiều người vui, đặc biệt là lớp trẻ, khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có đến trên 12.000 lao động ngành dệt, nghĩa là tương đương số dân của một xã, phường cỡ bự hiện nay trong tỉnh. Dự báo còn tiếp tục tăng nữa. Đơn cử như Công ty Scavi Huế phấn đấu tuyển dụng đến 4.500 công nhân mà dịp Tết Quỵ Tỵ vừa rồi quân số mới chỉ có 2.500 lao động (!). Hay như sau Tết, Công ty Dệt may Phú Hòa An đang có nhu cầu tuyển dụng trên 1.000 lao động. Rõ ràng, thời buổi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phá sản rần rần, công nhân bị đẩy ra đường hàng loạt thì khả năng giải quyết việc làm của ngành dệt là cả một ước mơ. Lại nhớ cách nay mấy chục năm, khi lần đầu nhà máy dệt Thủy Dương tầm cỡ quốc gia đi vào hoạt động, cả tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó vui như hội và với nhiều người trở thành công nhân của nhà máy này là một vinh dự lớn. Mà đâu có dễ, phải “thân quen thế thần” cả mới mong lọt vào nhà máy của khoảng chưa tới 1.000 công nhân lúc đó. Nay không còn cảnh nhiêu khê nữa mà đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Sự xuất hiện của rất nhiều nhà máy dệt may trên địa bàn hiện nay là kết quả của chiến lược phân bố lại địa bàn, trong đó Thừa Thiên Huế là một số ít địa phương hội đủ nhiều điều kiện được chọn lựa. Nó cũng là hệ quả của chủ trương đưa công nghiệp dệt may về nông thôn, nhằm giảm sức ép do những biến động kinh tế gây ra và tình trạng thiếu lao động ở các đô thị trung tâm. Ở Thừa Thiên Huế, sự có mặt của các cơ sở dệt may mang đến một loạt những đổi thay vui, tăng thu ngân sách cho tỉnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn và đặc biệt hơn cả là trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đem lại cuộc sống no đủ và hạnh phúc cho các gia đình.

Dịp ra Giêng vừa rồi, tôi về Thủy Dương (Hương Thủy) kỵ ông ngoại. Hàn huyên chuyện trò mới hay chị em con dì, con cậu bây chừ quá nửa là công nhân ngành dệt may. Như dì kế mẹ tôi, trong nhà có 4 nàng dâu thì 100% không còn theo nghề của ông bà làm ruộng, làm rẫy nữa, mà tất tần tật đều vào nhà máy dệt may hết. Giờ giấc công nghiệp nghiêm túc. Hôm kỵ ngoại, may mắn gặp được ngày nghỉ ca của mấy nàng dâu dệt may nhưng chuyện ăn uống cũng nhanh cái rẹt, không còn cảnh rề rà, dây dưa như trước đây nữa. Đơn giản mọi người cần được nghỉ ngơi để có sức ngày mai tiếp tục công việc cho kịp chị bằng em. Rõ ràng, đã có những tác động trực tiếp mà ai cũng dễ nhận ra như việc rất nhiều nông dân trở thành công nhân dệt may, không còn cảnh phải lo lắng kiếm sống nữa. Vậy nhưng, cũng có những thay đổi âm thầm trong mỗi gia đình về nếp nghĩ, nếp làm, cách sắp xếp công việc. Nó cũng quan trọng lắm thay!

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top