ClockThứ Năm, 20/11/2014 06:15

Đến lượt bài chòi

TTH - Xưa bài chòi thường bắt gặp trong lễ hội xuân. Tết đến, các làng quê Huế mở hội vui, không thể thiếu được và rộn ràng hơn cả là hội bài chòi kéo dài cả tuần lễ trên khoảnh sân rộng trước đình làng hay nơi họp chợ ngày thường. Nay hội bài chòi được mở rộng. Ví như ở Huế, nó là điểm đến không thể thiếu của bao du khách trong hành trình về với “Chợ quê ngày hội” bên cầu ngói Thanh Toàn vào các dịp festival. Và rồi, sau Nhã nhạc cung đình, bài chòi đang được Viện Văn hóa nghệ thuật và các cơ quan văn hóa Việt Nam chuẩn bị lập hồ sơ khoa học trình UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hội bài chòi say đắm bao lòng người bởi tính chất giải trí pha lẫn nét đẹp xưa. Xưa hay nay, ngày Tết hay dịp lễ hội du lịch, bao giờ cũng thế, hội bài chòi dễ nhận ra bởi khung cảnh hội làng với hình ảnh những chòi tranh được dựng lên, bởi sự đông vui, rộn ràng của chốn làng quê ngày thường vốn yên lặng. Cả thảy có 11 chòi, 10 chòi được đặt ở hai bên dành cho người chơi và 1 chòi “mệ” được đặt giữa, phía trên cùng là chòi điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành chín ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận số tiền thưởng nhỏ.

Không phải là của riêng xứ Huế, bài chòi có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung. Tuy vậy ở vùng đất Thần kinh, bài chòi vẫn mang những nét riêng thật đặc sắc. Nó không chỉ nằm ở một vài khác biệt về thể thức và số lượng người chơi, mà chủ yếu là ở nội dung câu hò và điệu hò. Sẽ khó có thể hình dung một hội bài chòi thôn dã lại thiếu vắng những câu hò. Tôi đã từng dự, từng chơi bài chòi nhưng sao vẫn cảm thấy rạo rực trong phút giây chờ đợi hội bài khai cuộc. Trong cảnh tượng kèn trống rộn rã, người người chen chúc nhau hồi hộp và chờ đợi bỗng cất lên câu hát: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”, hay “Đầu năm đầu tháng ai ráng em chưa/ Cho anh ráng cái may xưa đỡ thèm”. Mới nghe thôi đã cảm thấy giần giật trong người.

Khác với bao thứ bài bạc khác, kẻ chơi bài chòi chỉ có việc ngồi và nghe, thưởng thức những câu hò, rồi cùng đùa giỡn và đây mới chính là điều tạo nên sự đặc sắc của hội bài chòi. Người xưa cũng chuẩn bị sẵn sàng những câu hát ứng với mỗi quân bài, kiểu như con trò gắn với câu: “Không ngon cũng bánh lá gai/ Dù anh có dại cũng trai học trò”. Đụng phải anh hiệu (người dẫn dắt cuộc chơi) người Huế hay ba lơn, nó đã được đổi thành: “Đi mô cắp tráp đi hoài/ Cử nhân không phải, tú tài cũng không”. Hay như câu hát ứng với con ầm: “Vai mang bị bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm”. Anh hiệu Huế nghịch ngợm pha trò: “Nửa đêm gà gáy le te/ Muốn đi rón rén đụng nghe cái rầm”. Giỡn như rứa, đúng là kiểu Huế mình.

Nói đến bài chòi, người ta hay nhắc nhiều tới tên gọi và hình vẽ ở các quân bài. Tên gọi kiểu như liễu, gối, bồng, ầm…nghe đã lạ lùng và kỳ dị. Các hình vẽ trên quân bài lại càng kỳ dị và lạ lùng hơn, gợi lên một thế giới bí hiểm, vượt lên trên cách nhìn bình thường. Tôi nhớ, có nhà nghiên cứu đã viết, nó phảng phất đâu đây một chút không khí u uất rất Chàm hay Phù Nam, những hình ảnh, đường nét, kiểu thức rất Tây Nguyên, có khi gợi dậy một chút xa xăm phi thực, mù mờ của bùa chú, hay của một cuộc sống hoang dã bên ngoài cõi đời văn minh. Thì đó cũng không phải là điều chi quá xa lạ, là một thời của Huế và miền Trung xưa.

Ở Huế có làng Sình, còn được gọi là làng Lại Ân. Không chỉ nổi tiếng lắm tôm nhiều cá như trong dân ca Huế vẫn nhắc “Cá tôm mua tại chợ Sình…”, lưu lại nhiều dấu tích hội hè xưa như đấu vật và đua thuyền, làng Sình còn được biết đến là nơi chuyên nghề in tranh, đặc biệt nhất là sản xuất những bộ bài tới (dùng chơi bài chòi), cung cấp cho đồng bào quanh Huế và các vùng phụ cận vui chơi, giải trí trong những ngày xuân mới. Về sau này, người Tàu sinh cư buôn bán quanh vùng cầu Gia Hội, đã in ấn bộ bài tới  một cách có kế hoạch và qui mô hơn, tuy cũng chỉ bằng kỹ thuật mộc bản mà thôi.

Và, cũng chỉ ngần ấy cũng đủ để cho Huế chờ đợi đến lượt bài chòi được vinh danh và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nó là một phần trong tâm hồn và tính cách Huế.

Duy Đình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top