Điều thể hiện rõ nét là khi doanh nghiệp phát triển đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thu hút lao động vào các doanh nghiệp đã góp phần vào việc cải thiện và nâng cao mức sống chung của toàn xã hội. Đặc biệt là tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Trong vòng 10 năm gần đây, doanh nghiệp phát triển nhanh trên tất cả các ngành và ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã tạo ra cơ hội phân công lại lao động giữa các khu vực nông lâm nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, sản xuất nhỏ...
Nhìn trên thương trường, ai cũng dễ dàng nhận ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do khối doanh nghiệp tạo ra ngày càng phong phú về chủng loại mặt hàng. Đáng chú ý là chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên với nhiều chủng loại hàng hóa có thương hiệu. Hàng hóa mang nhãn hiệu Việt đã góp phần giải quyết nhu cầu cơ bản về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của toàn xã hội, góp phần nâng cao mức sống của dân cư và tăng nhanh lượng hàng hóa xuất khẩu.
Những năm gần đây, trước sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về vật tư, tiền vốn, tiêu thụ sản phẩm, giá cả đầu vào tăng, sản phẩm hàng hóa khó tiêu thụ, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, lãi vay ngân hàng biến động, thiếu việc làm cho người lao động...
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 13/NQ – CP của Chính phủ bước đầu tạo cho doanh nghiệp tháo gỡ một phần khó khăn. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo đầu tư theo hình thức đối tác công – tư để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài sự quan tâm của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cơ cấu loại ngành nghề sản xuất kinh doanh, tìm thị trường mới để vượt khó trong thời điểm này.
Ở giai đoạn khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp đã tự cơ cấu lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trước sự quan tâm của Chính phủ về việc giảm thuế thu nhập, gỡ bỏ một số khoản thuế, phí khác. Trong tinh thần hỗ trợ, hợp tác vì sự phát triển của đất nước, các bộ, ngành đã sâu sát với doanh nghiệp tiếp thu và tháo gỡ cho doanh nghiệp với những khuyến nghị hợp lý, chính đáng. Đặc biệt là các bộ, ngành đã đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời hoàn thiện hoạt động của hệ thống quản lý Nhà nước hữu quan để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trên mục tiêu chung của Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố đã nhanh nhạy tiếp cận, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để có biện pháp cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn nan giải này. TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cuộc gặp mặt doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tìm biện pháp tháo khó, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh đã có biện pháp gia hạn nộp thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ngân hàng thương mại nắm bắt danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Đáng chú ý chính quyền thành phố chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội chợ, triển lãm, hội thảo về xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch bằng những hoạt động phong phú sâu rộng về các địa phương thu hút hàng vạn khách tham quan và mua sắm.
Đáng chú ý là TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình kích cầu, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường nội địa. TP Đà Nẵng đã hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp về vấn đề tháo khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, bão lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Ở Thừa Thiên Huế, chính quyền đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến đầu tư – thương mại không chỉ trong tỉnh mà tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn...
Trong dòng chảy của cuộc sống, trong dòng chảy của sự tháo khó để ổn định sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, chính quyền, các ban, ngành hữu quan đã vào cuộc cùng doanh nghiệp trên tinh thần chung sức vượt khó. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp còn phàn nàn về sự thiếu đồng cảm của một số cán bộ ở các cơ quan quản lý Nhà nước khi tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp. Đáng buồn là nhiều doanh nghiệp kêu ca về thái độ, phong cách hành xử trong quan hệ, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Họ xem doanh nghiệp như “đối thủ” của mình. Nói sai là phải chịu sai, nói sửa là phải chịu sửa, họ ít hoặc không muốn nghe tiếng nói từ phía doanh nghiệp trước những khó khăn hiện hữu khi văn bản pháp lý quản lý Nhà nước trên một số mặt chưa hoàn chỉnh một cách đồng bộ. Thậm chí, văn bản pháp lý quy chuẩn áp dụng cho một số loại hình doanh nghiệp đặc thù chưa rõ ràng. Đối thoại và giải trình là hoạt động bình thường trong quan hệ với doanh nghiệp ở bất cứ mối quan hệ nào trong quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Thanh tra, kiểm tra trên tinh thần hỗ trợ, uốn nắn, phát hiện và chỉ hướng cho doanh nghiệp là mục tiêu đúng đắn được các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ nếu không nói là sự hỗ trợ cần thiết giúp doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Ngược lại trong cái nhìn “lệch” về công tác thanh kiểm tra sẽ đẩy doanh nghiệp vào bờ vực khó khăn thêm. Đình trệ sản xuất, mất ổn định, công nhân lao động bị ảnh hưởng, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp khó thực hiện... là điều khó tránh khói.
Không chỉ nhiều doanh nghiệp kêu ca mà ngay cả chúng tôi nhiều lần chứng kiến, trực tiếp nghe, thấy cũng khó có sự đồng tình trước phong cách, thái độ ứng xử của một số cán bộ ở các ngành hữu quan khi ứng xử với doanh nghiệp. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều bản kết luận thanh, kiểm tra dài dằng dặc (lúc đầu) nhưng sau đó chỉ còn chưa đầy phân nửa trong kết luận cuối cùng.
Hơn lúc nào hết, trước khúc quanh tháo khó cho doanh nghiệp, bất kỳ ngành nào, trong mối quan hệ với doanh nghiệp cần đặt mục đích cao hơn, trên hết là đồng hành cùng doanh nghiệp để có giải pháp tốt hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Tất nhiên, không thể làm ngơ và phải có biện pháp xử lý đúng luật trước sự cố tình làm dối, làm ẩu, có biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng, trốn xâu, lậu thuế... trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước những diễn biến khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, người cán bộ thanh tra, kiểm tra phải thấm nhuần các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ công chức. Nếu thiếu nền tảng này sẽ khó xây dựng được văn hóa thanh tra nói chung và văn hóa giải quyết kiến nghị, đơn trình của người cán bộ thanh tra. Thanh tra, kiểm tra phải có tâm và có tầm. Tâm phải sáng, khách quan, minh bạch. Tầm nhìn rộng trong sự phát triển chung của đất nước, địa phương, trong bối cảnh vượt khó của khối doanh nghiệp. Sự nhìn nhận có tầm về một việc làm với mục tiêu hướng đến sự phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà cả hướng đi lên của tỉnh nhà và đất nước là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp.