ClockThứ Năm, 15/05/2014 11:00

Gắn Phật đản với Festival Huế

TTH - Lễ hội Phật đản lại về sau một mùa Festival lắng đọng trong lòng người Huế. Festival Huế là lễ hội văn hoá, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế nhưng chưa lựa chọn được một ngày cố định. Festival không ấn định được thời điểm cụ thể sẽ rất bất lợi cho nhà tổ chức trong khâu quảng bá, bất lợi cho các hãng lữ hành trong khâu xây dựng và chào bán tour. Nhân mùa Phật đản xin được lạm bàn về đề tài này.

Festival Huế tổ chức vào thời điểm nào thích hợp nhất là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Đã từng tổ chức trong tháng 5 và tháng 6 dương lịch, nhưng thời điểm này thời tiết quá nóng. Cũng hay gặp mưa, phải huỷ bỏ một số chương trình, vì các lễ hội và đa số sân khấu đều tổ chức ngoài trời. Festival 2012 dịch chuyển về tháng 4, vào dịp cuối xuân. Festival 2014 chọn ngày khai mạc là 12/4, nhằm tối thứ bảy, bế mạc đêm 20/4, nhằm ngày chủ nhật.

 Dâng hoa lễ Phật

Theo tôi, có ba tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn thời điểm tổ chức Festival: Tránh nắng, né mưa, và không “đụng hàng” - không cùng thời điểm với các sự kiện lớn trong khu vực miền Trung, trong cả nước - để thu hút khách nhiều hơn.

Để né mưa phải chọn ngày theo âm lịch, xác suất về thời tiết chuẩn hơn là theo dương lịch. Theo tôi, Festival khai mạc sau lễ Phật đản vài ngày và bế mạc trước tiết Tiểu mãn khoảng một tuần là hợp lý. Thời điểm này rất ít khi gặp mưa. Thời điểm này cũng chưa quá nóng.

Lý do khác, không lễ hội nào ở Huế có sự cộng hưởng mạnh mẽ từ lòng dân, từ sức dân như lễ Phật đản. Thế mạnh này cần được phát huy. Lễ hội Phật đản nên trở thành hoạt động khởi động, hoặc nối tiếp Festival Huế như một chương trình Off, làm tăng hàm lượng văn hoá và xã hội hoá tốt hơn cho festival, giảm tải kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Còn nhớ, trung tuần tháng 5-2008, trước Festival Huế khoảng mười ngày, đại lễ Phật đản ở Huế được diễn ra trang trọng và sâu lắng trong một tuần. Không khí và hình ảnh của tuần lễ Phật đản vẫn còn tràn đầy với những cổng vòm và hoa sen nở khắp các đường phố chính. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ngày và đêm vẫn quyến rũ với bộ sưu tập ảnh danh lam cổ tự. Sông Hương hằng đêm vẫn lung linh bảy đoá sen hồng... Năm 2010, trước lễ Phật đản có Tuần Văn hoá Phật giáo với khá nhiều nội dung hấp dẫn như triển lãm, văn nghệ, tổ chức không gian ẩm thực chay. Mỗi ngày có một cuộc thuyết trình, đề tài nào cũng hấp dẫn, thiết thực với cuộc sống, với đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Kết thúc là lễ thả đài sen trên sông Hương, lễ diễu hành thuyền hoa và lễ phóng sanh đăng. Phật đản 2012 cũng có nhiều chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ Phật tử đến từ Hà Nội như triển lãm mỹ thuật Sen đầu hạ, đêm nhạc Hương sen mầu nhiệm. Lễ Rước Phật bằng thuyền hoa và lễ hội hoa đăng trên sông Hương. v.v...

Festival Huế nếu ấn định được ngày, tháng cụ thể, và được gắn với một số lễ hội mang đậm dấu ấn văn hoá tâm linh sẽ tạo ra yếu tố thiêng. Thực tế cho thấy, lễ hội nào có yếu tố thiêng liêng thì không cần quảng bá cũng nườm nượp du khách đổ về như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Làng Sen. v.v...

Vì thế gắn lễ Phật đản với Festival Huế xem ra rất khoa học và hợp lý. Trong trường hợp Festival tổ chức trước ngày Rằm tháng tư thì lễ Phật đản cần được đưa vào chương trình hưởng ứng. Một hoạt động nối tiếp, kéo dài Festival Huế.

Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top