ClockThứ Sáu, 15/03/2013 16:27

Giếng nước xưa

TTH - Nhớ mãi là câu chuyện kể của nhà văn Nguyễn Quang Hà, rằng một dạo vào hè, ông có dịp đưa nhà văn Nguyễn Tuân vào thăm Huế, xuống tắm ở bãi Thuận An, rồi ra đò lang thang trên phá Tam Giang, xuống tận Cầu Hai, uống nuớc ngọt giếng Phao Lồ ở chùa Pháp Vân. Kỳ lạ, giữa vùng nước mặn mênh mông lại trồi lên một ngọn đồi và ngọn đồi ấy lại cho đời một giếng nước có nước ngon đến kỳ diệu. Nghe đâu, các vị vua Nguyễn đã cho người về tận Phao Lồ để chở nước về dùng cho cả Hoàng thành. Nhà văn Nguyễn Tuân không khỏi tò mò, đã rất ngộ nghĩnh dùng hai tay khép nhau vốc nước giếng lên uống xem nước giếng ngọt như thế nào hấp dẫn Hoàng cung đến vậy.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hình ảnh giếng nước không quá xa lạ với tôi. Vậy nhưng nghe chuyện kể của nhà văn Nguyễn Quang Hà bỗng dưng lại cảm thấy thèm quá một ngụm nước giếng ngày hè trong mát và ngọt ngào. Xóm Chùa ở làng Dạ Lê của tôi có giếng nước sâu gần 10 mét, còn gọi là giếng Chùa. Giếng đào xuyên qua một lớp đá dày, nước trong vắt, mẹ bảo đã có từ lâu lắm rồi, chào đời đã thấy sừng sững. Ngày hè, lũ trẻ xóm tôi cứ bám quanh giếng nước, để tận hưởng ngọn gió nồm mát rượi thổi vào từ phía cánh đồng và những ngụm nước giếng Chùa lịm ngọt. Còn cách không xa nơi tôi ở, cái xóm nhỏ phía bên trong có một giếng nước, dân trong vùng quen gọi là giếng Thành, bởi nghe đồn thiêng lắm, là của cư dân Chiêm Thành xưa kia còn lại với không ít câu chuyện kể nghe cứ như mơ, như thực.

Giếng nước làng đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ của bao thế hệ và hơn thế, với vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời từ châu Ô, châu Lý xưa đến Thuận Hóa, Hóa Châu, Phú Xuân và bây chừ là Huế lại mang thêm những dấu ấn lịch sử khó quên. Nhớ cách nay không lâu, những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế trong khi tìm tòi và khảo sát về phố cổ Thanh Hà xưa một thời nổi tiếng đã phát hiện ở vườn nhà của một gia đình trong vùng cái giếng cổ có hình vuông, được xem như chứng tích tìm hiểu về chợ Thanh Hà xưa.

Nghiên cứu về di sản văn hóa Huế, giới khảo cứu đã phát hiện tại Cố đô hiện còn có 28 giếng nước cổ được xây dựng công phu, bao gồm đa phần là các loại giếng vuông và một ít giếng tròn, riêng Hoàng thành- Tử Cấm thành bên bờ bắc sông Hương có tới 18 cái. Từ giếng nước xưa còn lại ở kinh thành, người ta đã “đọc” được những suy nghĩ và quan niệm của người đời xưa về địa lý phong thủy, về sử dụng vật liệu xây dựng, về kỹ thuật xây dựng, trong đó có cả sự kế thừa những giá trị truyền thống có từ thời Chiêm Thành với kỹ thuật đào giếng vuông. Chạnh nhớ một thời khi mà nguồn nước sạch của con người từ bậc vua quan nơi chốn kinh thành đến bao kẻ dân đen ở tận làng mạc xóm thôn là từ những giếng nước kia mới cảm thấu hết những tâm lực và tình cảm con người dồn tụ vào đó.

Và khi mà những giếng nước cổ đã trở thành phần máu thịt của di sản Huế thì việc bảo tồn và tôn tạo hệ thống giếng xưa trong cung điện nói riêng và rải rác ở những vùng đất thiêng xứ Huế nói chung là góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử văn hóa và hơn thế nữa, tạo ra địa chỉ du lịch đặc sắc cho Cố đô. Để rồi, tôi lại nhớ đến hình ảnh nhà văn Nguyễn Tuân chịu khó đến tận giếng cổ Phao Lồ để tận hưởng ngụm nước mát trong lành bởi mê hoặc từ câu chuyện kể, rằng xưa kia nhà vua đã cho người về tận đây để lấy nước lên dùng cho sinh hoạt ở chốn hoàng cung…

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top