ClockThứ Sáu, 08/05/2015 13:01

Khi cổ vật trở về

TTH - Tại Festival Nghề truyền thống Huế vừa diễn ra, một trong những sự kiện đặc biệt được chú ý chính là việc chiếc xe kéo thời vua Thành Thái vừa được mua về từ Pháp lần đầu tiên được triển lãm tại Cung Diên Thọ (Đại Nội).

Đặc biệt bởi ngoài giá trị của chính bản thân hiện vật, chiếc xe đã được đấu giá thành công tại Pháp mà trong đó, lần đầu tiên, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn chi từ ngân sách số tiền 1,345 tỷ đồng với quyết tâm đem cho bằng được cổ vật này về Huế. Một cuộc trở về thật đẹp, với sự góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân.

Cũng về cổ vật trình làng tại festival, một điểm nhấn khác chính là bộ sưu tập triều phục thời Nguyễn mà nhà nghiên cứu Trịnh Bách đánh giá là quá quý hiếm. Và để tìm lại được những món đồ quý giá ấy, nhà sưu tập Huế Nguyễn Hữu Hoàng đã lặn lội ba vòng, sáu tráo sang Lào trong nhiều năm mới mua được.

Có vẻ như trong mọi hoạt động văn hóa-lễ hội lớn của Huế, ấn tượng sâu đậm và lâu bền là từ những cuộc triển lãm cổ vật, góp phần tạo nên một diện mạo, sắc thái văn hóa riêng có. Đây cũng là hướng đi mà nếu được đầu tư tốt, có chiến lược, có lộ trình thì chắc chắn sẽ tạo được một dòng sản phẩm văn hóa-du lịch đặc biệt, có sức cạnh tranh cho Huế.

Cách đây khoảng chục năm, sau chuyến khảo sát tại một số nước châu Âu, T.S Trần Đức Anh Sơn khi ấy với vai trò Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đã từng băn khoăn và nuối tiếc bởi một lượng lớn cổ vật quý hiếm xuất xứ từ Huế đang ở nước ngoài. Khi ấy, ông Sơn đã ao ước về một chính sách của nhà nước để đem về cho Huế cũng như Việt Nam những cổ vật quý giá đã thất thoát do nhiều nguyên nhân.

Cũng trong một cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cách đây vài năm, khi bàn về quy hoạch phát triển hệ thống bảo tàng ở Huế, ông Hải cho rằng, cái chính là phải tạo được hồn cho các bảo tàng. Mà cái hồn ấy chính là nguồn hiện vật. Muốn thu hút được du khách thì phải có hiện vật quý, độc đáo được bổ sung, luân chuyển, mua bán, trao đổi thường xuyên nhưng vấn đề lại ở kinh phí. Với cơ chế lâu nay, mỗi năm, một số bảo tàng của Huế chỉ được phép chi vài chục triệu đồng mỗi năm cho công tác sưu tầm, trao đổi hiện vật. Sự lúng túng, bị động về kinh phí cũng đã thấy rõ trong vụ mua hụt bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi cách đây mấy năm trong một cuộc đấu giá ở Pháp.

Chưa dám mơ nhiều đến hành trình hồi cố cổ vật Huế đã thất thoát. Ngay cả việc bảo tồn những gì hiện có cũng đang bộc lộ nhiều trăn trở. 

Để cải thiện hoạt động, các bảo tàng ở Huế đã cố gắng tăng cường công tác xã hội hóa như kêu gọi hiến tặng hiện vật; triển lãm, trưng bày các bộ sưu tập cá nhân nhưng chủ yếu vẫn đang quanh quẩn trong phạm vi nội tỉnh, khu vực và trong nước nên chưa thực sự có sức lan tỏa rộng lớn trong khi tiềm năng lĩnh vực cổ vật ở Huế không hề nghèo nàn. Như nhận định của ông Phan Thanh Hải là với các bộ sưu tập cổ vật cá nhân hiện có, Huế dư sức để thành lập nhiều hơn nữa các bảo tàng tư nhân, ngoài bảo tàng tư nhân đầu tiên đã hình thành của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Thực tế trên cho thấy, ngoài việc mạnh dạn chi ngân sách để mua cổ vật đã bắt đầu có tiền lệ từ chiếc xe kéo thời Thành Thái, câu chuyện giữ gìn và thu hút cổ vật cần được đặt ra một cách rốt ráo hơn.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top