ClockThứ Năm, 18/04/2013 05:42

Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm

TTH - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), toàn Đảng đã thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Qua đợt sinh hoạt chính trị lần này, các đảng bộ, chi bộ tiến hành khá nghiêm túc, đúng quy trình, thấy rõ hơn chức trách, nhiệm vụ củng cố, xây dựng Đảng là việc làm cấp bách hiện nay. Nhìn thẳng vào sự thật để thấy những tồn tại, khuyết điểm của tập thể, cá nhân để đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Việc học tập tấm gương kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của Bác Hồ thật sự là khâu quan trọng để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự trong sạch của Đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác Hồ thường nhắc nhở, Đảng có mạnh mới chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới bờ vinh quang.

 

Phê bình và tự phê bình nếu làm nghiêm túc thì sẽ tìm ra nguyên nhân để sửa chữa khuyết điểm. Làm được như vậy thì Đảng sẽ mạnh hơn, đảng viên hiểu nhau hơn, cùng giúp nhau tiến bộ, trở thành người đảng viên gương mẫu, được nhân dân tin yêu.

 

Đảng ta đã từng khẳng định, trong Đảng không thể dung thứ thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lừa dối cấp trên, thái độ nể nang hoặc đàn áp, trả thù người phê bình. Với quan điểm ấy, Đảng đã thực hiện tốt việc khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí ở một số cán bộ, đảng viên.

Trong tình hình hiện nay, Đảng đang lãnh đạo đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với biết bao khó khăn. Khó khăn hiện hữu là trước sự tác động của tiền tài, vật chất, không ít cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa đạo đức, lối sống. Thách thức khác là các thế lực thù địch thường xuyên hoạt động chống phá cách mạng, đánh vào tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên bằng những luận điệu xuyên tạc, gây mất đoàn kết nội bộ Đảng ta, lôi kéo cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện đi vào con đường dao động, mất niềm tin, thậm chí dẫn đến tha hóa, nói xấu Đảng.

 

Thực tế ấy, đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, sửa chữa khuyết điểm để làm tốt sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

 

Để làm tốt nhiệm vụ cấp bách hiện nay, các tổ chức Đảng, đảng viên phải nắm vững Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI). Sau đợt tự phê bình và phê bình, vấn đề quan trọng là thường xuyên kiểm tra, xem xét kết quả sửa chữa khuyết điểm của tổ chức Đảng, đảng viên đến đâu. Qua đó để thức tỉnh cán bộ, đảng viên lâu nay lãng quên lý tưởng, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện; đồng thời cảnh báo, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức; răn đe những người vi phạm khuyết điểm phải tự sửa mình.

 

Khi tiến hành sửa chữa khuyết điểm, tồn tại của tổ chức Đảng, đảng viên phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác; nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình. Kiểm tra và thường xuyên đánh giá việc sửa chữa khuyết điểm thì sẽ đẩy lùi yếu kém, năng lực của cán bộ, tổ chức Đảng sẽ mạnh lên.

 

Điều quan trọng là phải có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm với tinh thần tự giác cao. Tất nhiên, đây là việc làm khó. Nó đòi hỏi phải có tính Đảng, tính chiến đấu cao. Hơn lúc nào hết, phải tự đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ về tiền tài, danh lợi, kiên quyết loại bỏ những thói hư, tật xấu không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam.

 

Trong thời điểm này, các cấp ủy cần coi trọng kết quả sửa chữa khuyết điểm, xem đó là tiêu chí để đánh giá tính nghiêm túc của tổ chức Đảng, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Tất nhiên, việc sửa chữa khuyết điểm không phải là việc làm ngày một ngày hai là xong. Phải nhìn nó trong một quá trình lâu dài. Điều quan trọng là thấy khuyết điểm và có hướng sửa chữa với lộ trình, quyết tâm cao của tổ chức Đảng và đảng viên.

 

Làm được điều nêu trên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy có tính quyết định. Người đứng đầu cấp ủy phải dám chịu trách nhiệm trước cấp ủy, cán bộ cấp trên và cấp ủy cấp mình về kết quả khắc phục tồn tại cũng như việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mình. Phẩm chất, năng lực, tính tiên phong của người đứng đầu cấp ủy có tính quyết định, bảo đảm cho Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với kết quả mang lại tối ưu trong thực thi nhiệm vụ.

 

Triển khai thực hiện nghiêm túc hướng khắc phục khuyết điểm với lộ trình cụ thể. Trong quá trình thực hiện phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đảng. Kiểm tra, giám sát để kịp thời nêu gương những tổ chức Đảng, đảng viên sửa chữa khuyết điểm tốt, tích cực. Ngược lại, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện chưa tốt Nghị quyết của Đảng về tự phê bình và phê bình. Kiểm tra, giám sát để ngăn chặn những cán bộ có thành kiến, trù dập người phê bình; có biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực.

Kiểm tra, giám sát góp phần vào việc cảnh báo những biểu hiện sai trái, tham mưu cho tổ chức Đảng xây dựng quy chế làm việc khoa học, tính tự giác, tính kỷ luật trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

 

Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng là một nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Mỗi tổ chức Đảng, đảng viên cần đề cao công việc này để hoàn thiện tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên.

Chiến Hữu - Văn Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top