Xưa lễ cúng tổ nghề diễn ra ở phường hội nghề nghiệp. Mỗi phường nghề có ngày cúng tổ riêng và sau lễ cúng này, đa phần các phường nghề đều tạm ngưng hoạt động để đón tết, trừ thợ may và nghề cắt tóc vẫn làm nghề cho tới tận chiều 30 tết. Tổ nghề, hay còn gọi là Đức Thánh Tổ, Tổ sư là một hoặc nhiều người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá một nghề nào đó, được các thế hệ sau tôn trọng và suy tôn. Nay lễ cúng kia vẫn được duy trì và nó được tổ chức ngay trong các gia đình.
Một thời là thủ phủ và sau đó là kinh đô của đất nước, Thừa Thiên Huế có đến 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề Huế ra đời cách nay hàng mấy trăm năm, được ghi lại trong các sách cổ, như “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn hay “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn. Ngay như xung quanh lễ đón ông Táo ngày 23 tháng Chạp, Huế cũng có nguyên cả một làng chuyên làm tượng ông Táo. Đó là làng Địa Linh thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, nổi tiếng có đất sét cực tốt. Thời Nguyễn đặt tại Địa Linh “Nê ngõa tượng cục”, chuyên làm gạch ngói phục vụ việc xây dựng lăng tẩm, công thự… Nghề “làm ông Táo” như một nghề “ăn theo” mà có.
Làng nghề nhiều và phong phú đến thế nên có thể hình dung một không khí lễ lượt, cúng kiếng rộn ràng, tất bật của Huế xưa trong ngày giáp tết. Bên cạnh một số ít làng nghề có xuất xứ tại chỗ, rất nhiều nghề nghiệp ở Huế nói riêng cũng như cả vùng đất phương Nam xưa có nguồn gốc từ phía Bắc cùng nhiều nơi khác. Người dân Việt trong hành trình mở cõi đã mang theo những nghề truyền thống nơi quê cha đất tổ như một sinh kế làm ăn ở vùng đất mới. Vào ngày kỵ giỗ hay dịp tết về, thắp nén hương cùng những lễ vật lên bàn thờ vọng, quây quần bên nhau trong bữa cơm cuối năm là cách ngưỡng vọng quê xưa, nhớ về người thầy đã truyền nghề cho họ.
Xưa đi học nghề, với cách dạy nghề và hành nghề mang dáng dấp gia đình, người thầy xem học trò như con cái, vì quý mến nết na, thông cảm hoàn cảnh mà dạy bảo, kèm cặp cho có một nghề để người thợ - đứa con ấy mưu sinh đồng thời giữ nghề của tiền thân truyền lại. Người thợ kính trọng, thương yêu người thầy - cũng thường là người thợ cả, như cha mẹ. Thầy còn sống thì nghe lời thầy, ra sức rèn luyện để tiếp thu những ngón nghề thầy dạy. Thầy qua đời rồi thì những dịp lễ tết, ngày kỵ, giỗ cùng nhau về nhà thầy lo lắng như đứa con, cùng với những người con đẻ của thầy chăm lo hương khói, mộ phần. Người thợ dù ở đâu, hàng năm đến khoảng nửa cuối tháng Chạp âm lịch cũng có tục đi tết thầy, gọi là góp lễ với thầy cúng tổ nghề trong dịp tết.
Lễ cúng tổ nghề cùng với lễ cúng tất niên, xưa ở Huế có tất niên xóm, tất niên tư gia (nay còn có cả tất niên cơ quan) đã làm cho không khí chào Tết đón Xuân càng thêm rộn rã. Sau một năm tất bật mưu sinh, cuối năm xóm nhỏ góp tiền tổ chức lễ cúng tất niên là dịp để những người láng giềng ngồi lại với nhau, cùng nhau nâng chén rượu ngon tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Lễ cúng tất niên ở tư gia diễn ra muộn hơn, thường vào chiều 30 tết. Sau lễ cúng trên bàn thờ mời tổ tiên về “ăn Tết”, các thành viên trong gia đình hội ngộ với nhau bên mâm cơm chiều cuối năm. Mỹ tục này được người Huế duy trì từ bao đời nay và được xem là bữa cơm đoàn tụ. Không chỉ đoàn tụ với người sống, họ còn muốn tìm trong khoảnh khắc thiêng liêng này hình ảnh những người thân đã khuất.
Lễ cúng cuối năm không là riêng của Huế nhưng ở vùng đất từng là kinh đô xưa, nó có nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên đất nước, mang một phong vị đậm đà cùng với một bản sắc văn hóa độc đáo, tạo nên là một nét Huế thật khó quên.