Khi xây dựng Kinh thành Huế, các nhà kiến trúc xưa đã khéo léo phối hợp hài hòa yếu tố phòng thủ, oai nghiêm với cảnh sắc thiên nhiên. Kinh thành Huế vì thế được ví như một ngôi nhà vườn và để cảnh quan bên trong thêm phần xinh tươi, những điện, miếu, lầu gác, hồ, tạ và cả những vườn hoa ra đời, trong đó có cái tên Cơ Hạ viên (vườn Cơ Hạ). Nó bắt đầu từ Minh Mạng khi vào năm 1839, ông vua có tài kinh bang tế thế này gần lúc lâm chung cho dựng Cơ Hạ đường ở phía đông cung Càn Thành để những lúc nhàn hạ vua tới đó ngắm cảnh, trước kia chỉ là để đọc sách. Sau này, khi tháo gỡ vườn Thư Quang ở phía nam sông Ngự Hà ngoài cửa Hòa Bình, vua Thiệu Trị vào năm thứ 3 (1843) đã cho tận dụng vật liệu còn thừa đem về Cơ Hạ đường để sửa sang, rồi cho lập vườn đặt tên là Cơ Hạ viên. Nhà vua giảng giải qua câu “doanh kiến Cơ Hạ đường thị dụng vạn cơ thanh hạ chi quang lâm dã”, nghĩa là xây dựng nhà Hạ Cơ để khi rảnh rỗi vua đến đó.
Đã có biết bao công trình nghiên cứu, khảo tả, phân tích, giới thiệu cái hay, cái đẹp, cái lạ thường của vườn Cơ Hạ như một biểu trưng của một khu ngự uyển nơi xứ Huế với những nét thanh thoát, nhỏ nhắn và hài hòa đến kỳ lạ với cảnh trí thiên nhiên. Tôi chỉ là một kẻ bình dân mê đọc sách và tìm tòi về Huế xưa, không dám dông dài. Thế nhưng, tôi đã có một tâm trạng đầy khắc khoải khi biết qua tháng năm, số phận của vườn Cơ Hạ đã lắm bận long đong. Một thời nó là phế tích. Là một khu vườn, thiếu bàn tay chăm sóc tỷ mẩn và đầy đam mê của con người, khu vườn ngày càng hoang phế, nhất là trong điều thời tiết khắc nghiệt của khí hậu Huế mình. Để rồi, cũng như bao người tôi mừng khi liên tiếp có những phát hiện về vườn Cơ Hạ như tấm bia khắc về bài Ngự chế của vua Thiệu Trị được công bố. Cũng bắt đầu từ đó là những dự án phục hồi và tôn tạo các khu vườn trong Hoàng Thành như vườn Cơ Hạ được triển khai.
Là một khu vườn, Cơ Hạ không cần phải có những công trình nguy nga nhưng lại đòi hỏi ở con người sự đam mê, biết cách thổi hồn vào cảnh vật, có những chăm chút và đặc biệt là nét sáng tạo trong cách nhìn, lối chơi, sự tạo dựng và cả những gắn kết. Trong buổi tối đầu tiên thưởng thức nhạc Trịnh nơi vườn Hạ Cơ tôi đã mơ hồ nhận ra có một cái gì đó thật khó nói và tôi đã nghĩ đến sáng tạo ra vườn Cơ Hạ là công lao của người xưa, còn đem nhạc Trịnh vào ngự uyển lại một phá cách đầy sáng tạo của kẻ đời nay. Mấy chục năm qua, âm nhạc của gã nhạc sĩ tài hoa xứ Huế là Trịnh Công Sơn đã được biểu diễn tại những không gian thật khác nhau, nhưng có lẽ chưa có nơi nào mang tới một cảm xúc lạ, đầy thăng hoa như ở chốn này. Cách nhau cả trăm năm, vườn Cơ Hạ lại cứ như là nơi dành riêng cho người chơi và thưởng thức nhạc Trịnh. Lại nghĩ, nơi chốn cửu tuyền, người xưa chắc cũng phải ngẩn ngơ khi nhạc Trịnh được cất lên ở vườn Cơ Hạ!
Không có Festival Huế, người ta cũng đã nhiều lần tổ chức đêm nhạc Trịnh nơi vườn Hạ Cơ. Vậy mà, có kẻ như tôi cứ một mùa Festival đến như sắp tới đây vào tháng tư, là lại bâng khuâng nhớ tới vườn Cơ Hạ và nhạc Trịnh. Ừ hí, đã như có một sự dây vô hình nào đó gắn kết giữa tháng Tư - Festival Huế - vườn Cơ Hạ với nhạc Trịnh để hợp cùng, tạo nên một nét mới đầy khám phá và hấp dẫn về Huế của hôm nay.