Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của ta mới hơn 1 tháng nay và vẫn đang tiếp diễn, dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, do đất nước ta ở vị trí rất chiến lược, ở cạnh một nước Trung Quốc (tự tôn là “nước trung tâm”) đang lớn mạnh, nhìn ra Biển Đông, giao lưu các tuyến đường quan trọng… và đã là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lăng trong 4.000 năm lịch sử, ta phải luôn đề cao cảnh giác, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo tình hình. Khó nhất là dự báo tình hình, giúp tuyệt đối không để bị bất ngờ chiến lược.
|
Tàu Trung Quốc luôn tìm cách gây hấn với tàu Việt Nam ở khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Cát Tường
|
Các nhà chiến lược thấy trước những khó khăn, thách thức và luôn trăn trở với những câu hỏi, nhất là những câu hỏi trái với giả thiết hay tư duy thông thường. Vụ giàn khoan Hải Dương 981 cũng đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao Trung Quốc lại gây ra vụ này? Mục đích trước mắt là gì? Lâu dài là gì? Tại sao vào ngày nghỉ mồng 1 tháng 5 trong khi năm nay ta nghỉ dài ngày từ 30/4 đến mồng 4/5? Có phải để gây bất ngờ, vì cho rằng ta có sự lơ là trong kỳ nghỉ dài? Tại sao lại giàn khoan dầu mà không phải tàu quân sự? Tại sao chỉ húc tàu, va chạm dân sự mà không nổ súng? Tại sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao họ nói bị “bất ngờ” về phản ứng của Việt Nam? Phải chăng họ dự báo không gặp phản ứng mạnh như vậy? Tại sao nhiều nước ủng hộ ta? Tại sao có những nước quan hệ tốt với ta lại không công khai ủng hộ ta?... Có trăn trở, tự tìm tòi, đọc nhiều, rồi trao đổi, tìm hiểu mới tìm ra được chân lý, dự báo được tình hình và làm tham mưu tốt được.
Thứ hai, khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia phụ thuộc vào yếu tố quyết định là sức mạnh tổng thể (chính trị, kinh tế, quân sự…) trong nước. Một quốc gia có nền kinh tế yếu, đời sống nhân dân khó khăn, phụ thuộc vào bên ngoài..., thì ở thế yếu, dễ bị tổn thương, bị các nước ép và dễ bị bên ngoài tấn công. Kẻ thù bên ngoài thì luôn chọn thời điểm ta yếu để tấn công. Ta phải tự hỏi: Tại sao Trung Quốc và Việt Nam cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội, có quan hệ đối tác theo phương châm “16 chữ vàng” và “4 tốt”..., nhưng Trung Quốc lại gây ra các vụ năm 1974, 1979, 1988, 1992...? Tại sao giàn khoan Hải Dương 981 lại vào đúng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014? Tại sao lại gây ra vụ này đúng lúc kinh tế ta đang khó khăn?
Tiềm lực quân sự mạnh tùy thuộc khả năng kinh tế. Kinh tế phát triển cũng nhờ vị thế quân sự mạnh. Cần chăm lo phát triển kinh tế và tiềm lực quân sự hàng ngày, chứ không phải chỉ khi đất nước lâm nguy.
Thứ ba, trong thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc ngày càng tăng giữa các quốc gia ngày nay, việc đụng tới chủ quyền của một quốc gia và vi phạm luật pháp quốc tế không còn là vấn đề của riêng nước đó. Cuối tháng 5/2014, có nghị sĩ nước ngoài đã cho rằng: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa và đặc khu kinh tế (EEZ) đã vượt quá vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam, mà đã vi phạm luật pháp quốc tế, thách thức quyền tự do hàng hải quốc tế và an ninh toàn cầu.
Ta cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của mọi người, kể cả nhân dân Trung Quốc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc của ta mà Đại hội Đảng lần thứ 11 đã xác định. Chủ quyền Việt Nam được giữ vững lúc này sẽ là đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh và phát triển khu vực và quốc tế.
Thứ tư, chuyên gia hàng đầu quốc tế vẫn cho rằng: “Chính trị và đối ngoại là nghệ thuật của các khả năng”. Công tác tham mưu phải chỉ ra những khả năng hiện thực có thể xảy ra. Dự báo việc làm của một con người đã khó, dự báo việc làm của một quốc gia còn khó gấp bội. Khả năng tốt nhất là có hòa bình, hợp tác và phát triển cùng các nước. Khả năng xấu nhất là dân tộc ta buộc phải cầm súng một lần nữa. Trong quan hệ giữa các quốc gia, chiến tranh là kế sách cuối cùng.
Ta phải tự hỏi: Tại sao lại nói sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 về trước ngày 15/8? Có thực không? Tại sao các nước phải kiện tranh chấp lãnh thổ ở tòa án quốc tế? Kinh nghiệm thế nào? Tại sao họ không muốn kiện ra trước tòa án quốc tế? Có thực không?... Từ nhận định đúng các khả năng, mới giúp hoạch định các đối sách phù hợp. Nếu dự báo không có chiến tranh, ta sẽ tập trung nguồn lực phát triển đất nước. Nhưng nếu chiến tranh là một khả năng hiện thực, thì việc bố trí nguồn lực, chính sách đối ngoại phải khác. Dự báo sai có khi sẽ dẫn đến thảm họa với dân tộc. Thế mới thấy công tác dự báo quan trọng, nhưng khó thế nào.
Để chủ động đối phó với mọi tình huống, phương châm của ta lúc này cũng như về lâu dài phải luôn là “Phấn đấu khả năng tốt nhất; chuẩn bị khả năng xấu nhất”.
Hà Huy Thông
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế