ClockThứ Năm, 22/01/2015 11:00

Quyết liệt chặn xe quá tải

TTH - Điều gì chúng ta cũng làm được và làm hiệu quả. Vấn đề là có làm hay không? Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều người bảo có những vấn đề đã biết nhưng rất khó thực hiện bởi vì lợi ích nhóm, bởi vì “dây mơ rễ má” trở thành hệ thống. Muốn sửa thì phải sửa hệ thống. Chuyện chưa hẳn là đã như vậy. Chỉ cần quyết tâm của người đứng đầu là có thể thay đổi được tình hình.

Ví dụ chuyện xe quá tải. Ai cũng biết nạn xe quá tải hoành hành bao nhiêu năm nay bất chấp là có bao nhiêu trạm cân, bao nhiêu trạm cảnh sát giao thông ngày đêm giám sát. Thế nhưng từ khi có lệnh từ Bộ Giao thông vận tải kiểm soát xe quá tải đồng loạt trên cả nước, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì lượng xe quá tải từ 50% (tháng 3/2014) giảm xuống còn 8,3% vào những tháng cuối năm 2014. Và rất hy vọng đà này sẽ còn giảm khả quan hơn khi trong hội nghị tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự về xe quá tải, vì đây là hành vi làm hư hỏng đường, là hành vi phá hoại tài sản quốc gia.

Một ví dụ khác, khi Chính phủ có nghị quyết, yêu cầu ngành thuế cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế, đã tiết kiệm cho doanh nghiệp được 200 giờ. Xét ở khía cạnh kinh tế, con số giảm hơn 42% xe quá tải và 200 giờ rút ngắn thời gian nộp thuế sẽ là một sự tiết kiệm số tiền không phải nhỏ, nếu biết rằng một km đường có khi đầu tư đến cả chục tỷ đồng. Hoặc việc chờ đợi hơn 200 giờ để làm thủ tục thuế sẽ làm doanh nghiệp nản lòng như thế nào.

Bộ Giao thông vận tải đưa ra giải pháp giảm xe quá tải trong năm 2015 là sẽ đặt cân tải trọng ở các trạm BOT. Cũng là một cách giám sát hiệu quả. Nhưng cùng với đó là phải gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm các trạm cân nếu để lọt xe quá tải. Nếu làm quyết liệt, chắc chắn vấn đề xe quá tải sẽ được giải quyết.

Nhiều lần đi đường, với các tuyến xe khách cố định, có thương hiệu… tôi thấy nhiều lái xe thực hiện luật giao thông hết sức nghiêm túc. Chở đúng số lượng người, chạy đúng tốc độ quy định. Hỏi ra mới biết, họ lái xe ăn lương nên không việc gì phải vi phạm luật. Nếu vi phạm thì lái xe chịu trách nhiệm chứ không phải nhà xe. Và bao nhiêu lần vi phạm thì có thể bị nhà xe sa thải. Điều này cũng cho thấy, lái xe của các hãng xe lớn không “dại gì ăn cám trả vàng”. Chính vì vậy, một giải pháp nữa là ngành giao thông cũng cần tác động đến các hãng xe để họ thực hiện nghiêm túc luật giao thông. Hiện nay các hãng xe vận tải lớn, có thương hiệu hình thành ngày càng nhiều. Nếu các hãng này thực hiện nghiêm túc cũng đã giảm được rất nhiều lượng xe quá tải.

Năm ngoái có dịp đi Lào, tôi nghe câu chuyện này nhưng không có điều kiện kiểm chứng, nếu đúng như vậy có khi đây cũng là một giải pháp hay. Đối với các đơn vị sản xuất, nếu cung cấp hàng cho xe chở quá tải thì chính đơn vị sản xuất cũng phải chịu trách nhiệm. Vậy là họ đã kiểm soát được một phần tải trọng xe chở từ gốc sản xuất hàng hóa. Chỉ cần làm được như vậy cũng đã kiểm soát được nhiều về xe quá tải. Vấn đề ở đây là xem xét có phù hợp với những quy định của luật pháp Việt Nam hay không.

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top