ClockThứ Năm, 20/06/2013 16:58

Sắc phượng ven sông

TTH - Bất chợt bắt gặp một sắc đỏ của hoa phượng trong buổi trưa hè có ánh nắng vàng và một không gian bao phủ bởi màu xanh những tán cây trải dài đôi bờ và dòng nước Hương Giang phía dưới một màu xanh ngắt. Sắc đỏ rực rỡ nằm ở bên ni cầu Trường Tiền trên đường phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nơi gần đó có một công viên mới hình thành sừng sững tượng đài cụ Phan của Lê Thành Nhơn. Sắc đỏ cũng nằm ở phía đối diện ở bên tê và rồi nếu đứng trên cầu Trường Tiền nhìn bao quát cả dòng Hương lại thấy nhiều nữa những sắc đỏ phượng vĩ thấp thoáng ẩn hiện gần xa, tạo nên những điểm nhấn đặc biệt khiến cho con sông Hương có thêm một sắc thái lạ khi hè về.

Huế không phải là thành phố của hoa phượng. Danh xưng đó đã thuộc về Hải Phòng ở phía bắc. Vậy nhưng ở Huế vẫn có những sân trường ngập đầy xác phượng và nhiều con đường hoa phượng. Nhiều đến mức có thể kể ra như các tuyến đường Ngô Quyền, Nguyễn Trường Tộ đi qua bên hông hai trường học nổi tiếng Quốc Học và Hai Bà Trưng ở bên này bờ sông Hương hay phía đối diện là các con đường Lê Duẩn và Đoàn Thị Điểm cùng “tranh nhau” tên gọi đầy lãng mạn “đường phượng bay” trong bài hát “Mưa hồng” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ở thành phố gần như chỉ có hai mùa mưa lạnh và nắng nóng là Huế thì ranh giới từ xuân sang hè bên cạnh hình ảnh sân trường từ đông vui sang vắng lặng là sắc phượng đỏ rực trong tiếng ngân vang của ve sầu. Tôi đã cảm nhận điều đó từ khi còn là một cậu học sinh nội trú ở Trường Trưng Trắc nhìn ra sông Hương, trước đó mang tên Đồng Khánh và nay được đổi thành Hai Bà Trưng. Khi những bài thi học kỳ chưa kịp nhận hết thì đã thấy trên sân trường hàng loạt cây phượng vỹ thi nhau trổ hoa, dày đặc và đỏ rực như ánh lửa, phủ khắp vòm cây. Cũng vì đỏ rực như lửa nên người Pháp gọi phượng là flamboyant, nghĩa là sáng chói, sáng rực, sáng ngời, sáng quắc, rực rỡ. Đầu hè đã thấy phượng trổ hoa. Cả tháng đi xa trở về vẫn còn thấy một màu phượng đỏ rực ở Huế và rồi như bất chợt phát hiện thêm những xác phượng cũng còn thẫm màu sắc đỏ. Chính cái sức sống dai dẳng thật hiếm có khi cộng với màu hoa, cách trổ hoa và mùa ra hoa đã tạo nên một ấn tượng mạnh và khó quên về hoa phượng.

Phượng không phải là cây của Huế xưa. Trong một cuốn sách, ông Nguyễn Tường Bách, người gốc Huế cho rằng, loài phượng vĩ gốc gác từ Madagasca là thuộc địa của Pháp. Khi bắt tay xây dựng mới hay chỉnh trang những đô thị đã có từ trước ở nước ta, người Pháp đã cho nhập giống phượng từ Madagasca để trồng và làm đẹp các đường phố, công sở, công viên... Và rồi, có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố Huế nhưng phượng đỏ vẫn như có sự bám duyên lạ lùng với đôi bờ sông Hương hay An Cựu là cảm nhận của tôi. Trong màu xanh mênh mông của nước, của trời, của cây lá, màu đỏ của phượng vĩ thật nổi bật. Sự tương phản đó làm cho người ta thích thú. Cái đẹp của phượng là ở màu đỏ và cũng trong chính sự tương phản của màu sắc kia.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top