ClockThứ Bảy, 21/06/2014 04:42

Chuyến tác nghiệp 30 năm trước của nhà văn Hà Khánh Linh

TTH - Hơn 30 năm trước, nữ nhà văn, nhà báo Hà Khánh Linh thân gái dặm trường sang Campuchia tác nghiệp khi đất nước này vẫn còn tàn dư polpot. 30 Năm sau, tác phẩm “Nụ cười Apsara” – những trang viết sống động, chân thực ra đời trong những ngày nữ nhà văn rong ruổi khắp Campuchia được trao tặng giải thưởng Văn học sông Mê Kông.

Tác nghiệp với tinh thần chiến sĩ

Cuối năm 1980 đầu 1981, vừa ăn Tết Nguyên đán xong, đoàn công tác của tỉnh Bình Trị Thiên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng dẫn đầu chở theo lương thực, quần áo… sang Campuchia cứu trợ đất nước này vừa thoát khỏi nạn diệt chủng Polpot, đặc biệt là kết nghĩa với tỉnh Siem Riep - Otdomienchay. Nhà văn Hà Khánh Linh lúc ấy là phóng viên Tạp chí Sông Hương được đi theo đoàn thực tế ở Campuchia. Làm lễ kết nghĩa xong, đoàn trở về, riêng Hà Khánh Linh ở lại 3 tháng để đi thực tế.Để đến được Campuchia là cả sự hy sinh và nỗ lực của nữ nhà văn này. Lúc ấy, chị có 2 con nhỏ, đứa 10 tuổi, đứa mới lên 7 phải gửi lại nhờ bà ngoại chăm sóc.

 

Nhà văn Hà Khánh Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng gửi gắm, Hà Khánh Linh ở lại với Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam. Lúc này, bộ đội ta còn giúp Campuchia truy lùng tàn quân Polpot. Tàn dư Khơme đỏ khắp cả nước, ban đêm chúng vẫn vào nhà dân xin ăn, khống chế cướp lương thực, giết người nếu bị chống đối khiến người dân nơm nớp lo sợ. Để thu thập tư liệu phản ánh chân thực tội ác của Polpot đối với người dân và cuộc chiến đấu anh dũng của bộ đội ta, hàng ngày Hà Khánh Linh theo mặt trận 479 lên chốt với bộ đội, chỗ đánh nhau với Polpot. Bất chấp hiểm nguy, nhà văn vẫn đi trực thăng qua rừng để lên chốt, dù ở khu rừng này, một Tư lệnh đã hy sinh do trúng tên lửa H12 mặt đất (loại tên lửa dùng để bắn trực thăng).

Thân gái dặm trường giữa bom đạn nhưng chị vẫn kiên trường. Hỏi chị có sợ không khi đi giữa chiến sự nóng bỏng, chị cười: “Nếu sợ thì không đi được. Khi đi, tôi đã xác định có thể bị thương tích nhưng lúc ấy, tinh thần hừng hực. Nếu không trải qua cuộc chiến chống Mỹ, chắc tôi không đi như vậy được. Đương nhiên, ai cũng sợ nguy hiểm nhưng trong chiến tranh mình đã là phóng viên mặt trận thì không lý gì giờ mình lại sợ mặt trận”.

Ba tháng ở với tổng đoàn chuyên gia nhưng hàng ngày quân đội đi đâu, Hà Khánh Linh xin đi theo. Về nguyên tắc, thông tin bộ đội đi tác chiến là bí mật nhưng vì nữ nhà văn, nhà báo này quá đặc biệt nên họ cho tháp tùng. Quân đội chỉ báo cho chị biết vào buổi sáng và đem xe đến đón, các chuyên gia cũng không biết chị đi đâu. Tối đến mà chưa thấy Hà Khánh Linh về, cả Tổng đoàn chuyên gia cứ đi ra đi vào lo lắng, tưởng chị đã chết. Họ cứ bảo, cô này có 2 đứa con nhỏ ở nhà, sao lại đi liều thế. “Nhưng qua đó mà chỉ ở thành phố thì biết gì mà viết”, nữ nhà văn bộc bạch.

Ba tháng ở lại Campuchia, nhà văn, nhà báo Hà Khánh Linh đã đi không biết mệt mỏi. Ngoài theo bộ đội đi chiến đấu, cứ nghe tỉnh nào có nhân chứng sống sót sau nạn diệt chủng, cô lại tìm đến để được nghe những câu chuyện sống động từ người thật, việc thật. Để rồi trong từng trang viết nóng bỏng những hoàn cảnh, số phận bi thương, nô lệ của người dân Campuchia dưới chế độ Polpot.

Giải thưởng sau hơn 30 năm

Tranh thủ tìm thông tin tư liệu, ngày nào Hà Khánh Linh cũng rong ruổi khắp nơi. Ngày đi, tối chị lại viết. Những thông tin nóng, hay từ Campuchia hối thúc chị phải cầm bút và gửi tác phẩm về Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Những truyện ngắn và bút ký nhà văn Hà Khánh Linh viết trong những ngày đi thực tế tại Siem Riep được in thành tập truyện và ký “Nụ cười Apsara”, được Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 1983.

“Nụ cười Apsara” gồm 6 truyện ngắn, bút ký, truyện ký: Bức thư từ Siem Riep, Bông sứ trắng, Xóm nhà bên kia sông, Nụ cười Apsara, Thằng ễnh ương, Ở Phum Tà-Beng. Đây là những tác phẩm được đánh giá vừa có tính văn học vừa có tính báo chí. Bằng những câu chuyện người thật, việc thật, nhà văn Hà Khánh Linh đã viết về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp giải phóng Campuchia, cứu đất nước này thoát khỏi họa diệt chủng Polpot và cuộc đấu tranh của người dân Campuchia cũng như cuộc sống đời thường của họ trong công cuộc kiến quốc, đặc biệt là tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của người dân Campuchia đối với quân tình nguyện Việt Nam được thể hiện bằng những hành động chân chất, mộc mạc. Đặc sắc ở chỗ, từng chi tiết trong ấy có thật, sống động, từng dòng chữ là sự trải nghiệm thực tế bằng những bước chân của tác giả.

Năm 1989, nhà văn Hà Khánh Linh trở lại Campuchia, thăm lại đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đến nơi, chị xúc động khi bất ngờ thấy các chiến sĩ trẻ trong lán trại đang nằm võng đọc tác phẩm “Nụ cười Apsara” nhưng không phải là bản in của nhà xuất bản mà là bản quay ronéo! Tướng Trần Văn Trân, Tư lệnh trưởng bộ đội Việt Nam tại Campuchia lúc ấy cho biết, đơn vị đã về Sài Gòn mua sách “Nụ cười Apsara” mang sang cho bộ đội đọc, nhưng không đủ, phải đánh máy và quay ronéo thêm. Nhà văn Hà Khánh Linh tâm sự: “Đó là điều quý giá và hạnh phúc nhất đối với tôi. Những người chiến sĩ trên chốt đã đọc “Nụ cười Apsara” vào những năm cuối sắp rút quân”.

Năm 2014, tại hội nghị nhà văn các nước sông Mê Kông lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Siem Riep (Campuchia) từ 30/3 đến 3/4, tác phẩm “Nụ cười Apsara” của nhà văn Hà Khánh Linh đã được trao tặng Giải thưởng Văn học sông Mê Kông, bởi đây là tác phẩm có tính văn học cao, được độc giả yêu mến. Giải thưởng do Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Men Sam An trao tặng. Hà Khánh Linh là nhà văn đầu tiên của Thừa Thiên Huế vinh dự nhận giải thưởng này. “Giây phút nhận giải thưởng, nghe Phó Thủ tướng Men Sam An nói lời cảm ơn đã đến chiến đấu và viết về đất nước Campuchia, tôi nhớ đến anh Vũ Thắng. Đó là người lãnh đạo hiểu và đánh giá đúng tài năng của văn nghệ sĩ, luôn gần gũi, thân tình. Hồi ấy, anh đã rất kỳ vọng, tin tưởng tôi và không tiếc lời khen ngợi khi đọc “Nụ cười Apsara”. Anh mất rồi, tôi đạt giải này mà không báo với anh được”, nhà văn Hà Khánh Linh xúc động.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top