ClockThứ Năm, 26/06/2014 04:58

Mở đường cho cổ vật về Huế

TTH - 33.000 Euro (khoảng 1 tỷ đồng) là số tiền mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã duyệt chi để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tham gia phiên đấu giá 2 cổ vật tại Pháp giữa tháng 6 vừa qua. Chưa bàn đến việc có thành hay không, nhưng động thái này cũng đã là một niềm vui lớn đối với cổ vật Huế và những ai tâm huyết với cuộc vận động hồi hương cho cổ vật.

Cổ vật triều Nguyễn được đấu giá lần này là chiếc giường của vua Thành Thái và chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ của vua Thành Thái). Đây là hai hiện vật trong số rất nhiều các cổ vật của triều Nguyễn bị thất tán trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, hoặc cũng có thể là những vật dụng gắn liền với gia đình vua Thành Thái. Sau khi có thông tin về hai cổ vật trên được đưa ra đấu giá, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đề xuất mức giá 33.000 Euro để tham gia. Số tiền được UBND tỉnh duyệt chi, gấp 11 lần so với giá khởi điểm. Đây là một dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên chính quyền Thừa Thiên Huế trích từ ngân sách với quyết tâm tìm đường hồi hương cho cổ vật, trong khi Nhà nước chưa có quy định cụ thể về việc dùng ngân sách vào việc đấu giá, mua lại cổ vật. Ông nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh đã thể hiện rõ quan điểm: “Tỉnh hết sức tạo điều kiện để Trung tâm BTDTCĐ Huế cử đại diện tham gia phiên đấu giá cổ vật lần này, tích cực đưa những báu vật của triều Nguyễn trở về Việt Nam để tiếp tục được bảo tồn, trưng bày tại không gian nguyên thủy của nó”.

Tuy nhiên, tại phiên đấu giá ngày 13-6, đến phút cuối cùng thì người đại diện của Việt Nam đã không thể mua được bất cứ món nào trong số 2 cổ vật trên. Do giá của chiếc giường đẩy lên quá cao, còn chiếc xe kéo – ngay khi đã được tuyên bố trúng đấu giá thì một Bảo tàng của Pháp dành quyền ưu tiên mua lại.
Theo TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, trong rất nhiều cuộc đấu giá trên thế giới có hiện vật quý của Việt Nam, nhưng vì không chủ động được nguồn tiền lẫn thông tin nên chúng ta đã không có nhiều cơ hội để tham gia. Việc mua không thành bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi năm 2010 là một ví dụ. TS. Phan Thanh Hải đã bày tỏ quan điểm, rằng sẽ kiến nghị các cấp hữu quan sớm ban hành chính sách cụ thể đối với các hiện vật tương tự để khỏi bị động như trong trường hợp vừa rồi; trong đó rất chú ý đến hình thức tôn vinh những người có công. Đối với các hiện vật có xuất xứ đánh cắp hay cưỡng đoạt, sẽ kiến nghị làm rõ nguồn gốc, sau đó có ý kiến mạnh mẽ, thậm chí tranh kiện để đưa hiện vật quay về Việt Nam. Hiện nay, tranh thủ nhiều mối quan hệ và nhiều cách khác nhau, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang cố gắng vận động các cơ quan chức năng và những cá nhân Việt kiều sống và làm việc tại Pháp để tích cực thương thuyết với các cơ quan, Chính phủ Pháp không dùng quyền ưu tiên để tranh mua với Việt Nam.
Hy vọng với quyết tâm đủ lớn, đường về cho cổ vật Việt sẽ được mở lối.
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top